Phương pháp cá nhân hóa hỗ trợ tuân thủ bằng các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân

Thông điệp chính:

  • Các Chương trình Hỗ trợ Bệnh nhân (Patient Support Programs – PSPs) là các can thiệp hành vi được thiết kế nhằm giúp bệnh nhân tuân thủ việc uống thuốc và kế hoạch điều trị.
  • Để tiếp cận được lượng bệnh nhân lớn nhất, PSPs dần dần kết hợp với những thành phần kỹ thuật số như tin nhắn văn bản và cổng thông tin điện tử.
  • Phương pháp “Cá nhân hóa” áp dụng kỹ thuật khoa học hành vi vào các can thiệp kỹ thuật số với mục đích làm tăng hiệu quả của can thiệp.

Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân là những can thiệp hành vi được thiết kế để cải thiện sự tuân thủ

Tổ chức Y tế Thế giới đã xác định không tuân thủ thuốc là một vấn đề sức khỏe toàn cầu cần ưu tiên và có thể phòng ngừa được, nó trở nên nặng nề hơn do điều kiện kinh tế xã hội ở các nước công nghiệp hóa kém phát triển. Các bài viết trước trong loạt bài này thảo luận về vấn đề đưa ra quyết định của bệnh nhân, những tác nhân điều khiển hành vi và các yếu tố khác ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị. Các nhân viên y tế có thể sử dụng nhiều khung sức khỏe khác nhau để đánh giá nguy cơ không tuân thủ của bệnh nhân và xác định những chiến lược hiệu quả để hỗ trợ bệnh nhân tuân theo kế hoạch điều trị.

Các phương pháp can thiệp xoay quanh vấn đề này đã được phát triển để hỗ trợ bệnh nhân, khuyến khích họ thoải mái và tuân thủ chính xác liệu pháp điều trị được chỉ định. Thường được gọi là Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân hay PSPs, những giải pháp này có thể bao gồm các hộp thuốc được dán nhãn đơn giản hoặc bao bì dạng vỉ để tạo thói quen dùng thuốc, những chương trình này cũng cung cấp nhiều dịch vụ chuyên sâu hơn dựa trên các khung khoa học hành vi.1,2 PSPs có thể được cung cấp trực tiếp từ bệnh viện hoặc thông qua chương trình tài trợ bên ngoài. Với sự phổ biến của công nghệ kỹ thuật số, các giải pháp y tế di động (mHealth) ngày càng được đưa vào PSPs. Khoảng 95% dân số toàn cầu sống ở các khu vực được phủ sóng mạng di động.3 Một số đánh giá đã phát hiện ra rằng PSPs4 kết hợp với các giải pháp di động1 tạo ảnh hưởng đáng kể đến việc tuân thủ và cải thiện kết quả sức khỏe. Tuy nhiên, những chương trình như vậy thường thiếu cách tiếp cận mang tính cá nhân hóa.5,6 Cá nhân hóa sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến trong tiếp thị trực tuyến với mục đích dự đoán nhu cầu khách hàng và điều chỉnh các khuyến cáo phù hợp với nhu cầu đó.11 Tương tự, PSPs mới nhất là những giải pháp kỹ thuật số kết hợp khoa học hành vi để cung cấp sự hỗ trợ mang tính cá nhân hóa. Các chương trình này đem đến cơ hội quan trọng để cải thiện sự tuân thủ và kết quả của bệnh nhân.

Nghiên cứu cá nhân hóa mới nhất được xây dựng dựa trên các mô hình hành vi này cho phép lập hồ sơ bệnh án, đồng thời tạo nên một mô hình tuân thủ tương thích kỹ thuật số và có khả năng hiện thức hóa.

Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân mới nhất kết hợp giải pháp y tế di động để nhân rộng sự hỗ trợ tuân thủ

Sự phát triển của công nghệ di động trong thập kỷ qua đã giúp phổ biến rộng rãi các hỗ trợ y tế và sức khỏe cộng đồng một cách khả thi và tiết kiệm chi phí. Số thuê bao điện thoại di động trên toàn cầu uớc tính có khoảng 7 tỷ;3 đặc biệt là ở các nước đang phát triển, các phương pháp can thiệp bằng tin nhắn đơn giản là một công cụ quan trọng để tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng đến đông đảo bệnh nhân. Điều này cho phép các nhân viên y tế tương tác dễ dàng hơn với số lượng bệnh nhân lớn hơn.2 Tin nhắn đã trở thành một yếu tố phổ biến cấu thành nên PSPs hiệu quả; tuy nhiên, tin nhắn SMS vẫn phụ thuộc vào các quy định về quyền riêng tư. Các giải pháp chăm sóc sức khỏe di động (mHealth) cho phép cải thiện việc giám sát bệnh nhân từ xa, giáo dục, nhắc nhở và các hình thức hỗ trợ tuân thủ khác.7 Tin nhắn văn bản đã được sử dụng và đem lại kết quả tích cực trong giao tiếp thay đổi hành vi như nhắc lịch hẹn khám và uống thuốc; truyền thông sức khỏe, chẳng hạn như cai hút thuốc lá, theo dõi tiếp xúc, và huy động cộng đồng; cũng như có thể cải thiện sự tuân thủ ở những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính3.

Người ta đưa ra bằng chứng hứa hẹn rằng tin nhắn văn bản giúp cải thiện sự tuân thủ thuốc điều trị các bệnh mạn tính, tuy nhiên điều này cần phải được nghiên cứu thêm.8 Những biện pháp can thiệp này thường tập trung nhắc nhở bệnh nhân không quên dùng thuốc, đây chỉ là một khía cạnh của việc cải thiện sự tuân thủ. Các biện pháp can thiệp kỹ thuật số cũng mang lại cơ hội lớn trong việc giáo dục bệnh nhân,9 cá nhân hoá để phản ánh mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhân viên y tế có thể giúp nâng cao cơ hội này. Để tối ưu hóa trải nghiệm của bệnh nhân và hiệu quả tổng thể của chương trình, PSPs áp dụng kỹ thuật số phải bao gồm một mức độ cá nhân hóa có thể giải quyết các mức nguy cơ của mỗi cá nhân cũng như nhiều tác nhân điều khiển hành vi khác.2

Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân hiệu quả được cá nhân hóa theo từng bệnh nhân

Việc ứng dụng thuyết khoa học hành vi với mục đích cá nhân hóa các can thiệp tuân thủ và các chương trình PSP vẫn là một lĩnh vực có cơ hội đáng kể trong cải thiện sức khỏe và kết quả điều trị của bệnh nhân.5,6 Các giải pháp có thể được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân theo bản chất nhu cầu của họ và các nguyên nhân không tuân thủ.2

Tuy nhiên, PSPs vẫn phải đối mặt với một số thách thức để thực hiện cá nhân hóa hiệu quả:

  • Các mô hình tuân thủ hiện tại không tương thích kỹ thuật số. Phần lớn PSPs không có khả năng thu thập thông tin thường xuyên, cập nhật và đáng tin cậy về hành vi của bệnh nhân – vốn là yêu cầu của quá trình đưa ra quyết định hiệu quả và cá nhân hoá AI. Tuy nhiên, nghiên cứu cá nhân hóa gần đây nhất đang xây dựng dựa trên các mô hình khoa học hành vi khác nhau bằng cách sử dụng bộ câu hỏi để tạo hồ sơ bệnh án và thiết lập một mô hình tuân thủ bệnh nhân tương thích kỹ thuật số, có khả năng hiện thực hóa.2
  • Yêu cầu sự nỗ lực hơn nữa từ bệnh nhân. Các mô hình cá nhân hóa yêu cầu bệnh nhân báo cáo thông tin về tình hình sức khỏe cũng như hành vi của họ thường xuyên hơn. Đây là một khó khăn mà bệnh nhân có thể không sẵn sàng thực hiện, đặc biệt nếu họ không nhận ra lợi ích của PSP.

Bỏ qua những thách thức này, PSPs và phương thức cá nhân hóa vẫn có thể có tiềm năng quan trọng, được minh họa bằng ví dụ sau đây về một bệnh nhân bị chóng mặt đến phòng khám kiểm tra sức khỏe định kì:

Bằng cách dựa vào khung mô hình đã được thảo luận từ trước đồng thời đưa ra các câu hỏi dựa theo thuyết khoa học hành vi, nhân viên y tế phát hiện ra rằng bệnh nhân không dùng thuốc theo hướng dẫn và không tuân thủ theo liệu pháp điều trị. Nhân viên y tế cũng nhận ra rằng bệnh nhân không nhận thức được việc bản thân phải chịu trách nhiệm quản lý tình trạng chóng mặt, nghĩa là họ có khả năng thực hiện tuân thủ thấp. Nhân viên y tế khuyến cáo bệnh nhân đăng ký Chương trình Hỗ trợ Chóng mặt của Phòng khám Atlas nhằm tìm hiểu thêm về cách quản lý các triệu chứng của họ, tầm quan trọng của các hành vi thể hiện lối sống lành mạnh và giá trị của việc tuân thủ điều trị. Sau khi nhận được sự đồng thuận từ bệnh nhân, nhân viên y tế ngay lập tức nhắn tin hỗ trợ bệnh nhân đăng kí tham gia chương trình 90 ngày – cung cấp các bản in tài liệu giáo dục về chế độ ăn uống và lợi ích của những phương pháp điều trị khác nhau. Vài ngày sau, bệnh nhân nhận được cuộc gọi từ chuyên gia của chương trình, người này sẽ đặt những câu hỏi cũng dựa trên khung khoa học hành vi đã thảo luận trước đó để đánh giá niềm tin, thái độ, sự tự tin, hành vi và kiến ​​thức của bệnh nhân. Một hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân được thiết lập tự động cùng với các đề xuất về loại hình và thời gian hỗ trợ sẽ được cung cấp. Trong suốt chương trình, bệnh nhân thường xuyên nhận được các tin nhắn cung cấp thông tin, hướng dẫn quản lý chóng mặt và phương pháp điều trị, cũng như tư vấn qua điện thoại. Theo kết quả đạt được từ PSP, bệnh nhân hiểu rõ hơn về bệnh tình của mình, tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị và được khuyến khích, hỗ trợ trong nỗ lực tuân thủ phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến cáo.

Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân tạo điều kiện cho nhân viên y tế giúp đỡ người bệnh

Tăng cường hiệu quả của mối quan hệ giữa nhân viên y tế và bệnh nhân bằng cách áp dụng các thuyết khoa học hành vi, đồng thời mở rộng tác động ảnh hưởng của nhân viên y tế vào cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân có thể cải thiện kết quả đáng kể. Sử dụng các phương pháp được đề cập trong loạt bài này để đánh giá nguy cơ không tuân thủ của bệnh nhân và cung cấp hỗ trợ nhắm trúng đích, nhân viên y tế có thể cải thiện tương tác của họ với bệnh nhân; các giải pháp tuân thủ áp dụng kỹ thuật số và PSPs có thể nâng cao hơn nữa những nỗ lực này đồng thời giảm thiểu những hạn chế về mặt thời gian của nhân viên y tế. Bệnh nhân nhận được những giá trị lợi ích thông qua phương pháp giáo dục, nhắc nhở và các hình thức hỗ trợ khác được tuỳ chỉnh phù hợp hơn. Các công cụ kỹ thuật số cá nhân hóa và kỹ thuật “thúc đẩy” thu hút bệnh nhân, đồng thời tăng hiệu quả của PSPs. Mặc dù các kỹ thuật thúc đẩy được trình bày không thể thay thế cách tiếp cận điều trị theo hướng trực tiếp và chính thức, chúng có thể được sử dụng để tăng cường tương tác giữa nhân viên y tế/bệnh nhân.

Các nhân viên chăm sóc sức khỏe đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục bệnh nhân và khuyến khích họ tận dụng những lợi ích mang lại khi tham gia PSPs. Bài cuối cùng trong loạt bài này, Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân ảnh hưởng đến việc tuân thủ như thế nào?, sẽ thảo luận chi tiết hơn các chiến lược khác nhau mà PSPs sử dụng, lợi ích đối với bệnh nhân và ảnh hưởng lên vấn đề tuân thủ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Yousel Gandapur et al. (2016). “The role of mHealth for improving medication adherence in patients with cardiovascular disease: A systematic review,” European Heart Journal – Quality of Care and Clinical Outcomes, (2):4, pp. 237–244. https://doi:10.1093/ehjqcco/qcw018
  2. Kevin Dolgin (2020). “The SPUR Model: A framework for considering patient behavior,” Patient Preference and Adherence, 14, pp. 97–105. https://doi:10.2147/PPA.S237778
  3. Sarah J. Iribarren, Sarah et al. (2017). “Scoping review and evaluation of SMS/text messaging platforms for mHealth projects or clinical interventions,” International Journal of Medical Informatics, 101, pp. 28–40. https://doi:10.1016/j.ijmedinf.2017.01.017
  4. Arijit Ganguli, Jerry Clewell, & Alicia C. Shillington (2016). “The impact of patient support programs on adherence, clinical, humanistic, and economic patient outcomes: A targeted systematic review,” Patient Preference and Adherence, 10, p. 711. https://doi:10.2147/PPA.S101175
  5. Bart J.F. van den Bemt et al. (2012). “Medication adherence in patients with rheumatoid arthritis: A critical appraisal of the existing literature,” Expert Review of Clinical Immunology, (8):4, pp. 337–351. https://doi: 10.1586/eci.12.23
  6. Susan Michie et al. (2011). “The behaviour change wheel: A new method for characterising and designing behaviour change interventions.” Implementation Science, (6):42. https://doi:10.1186/1748-5908-6-42
  7. Sven Meister, Wolfgang Deiters, & Stefan Becker (2016). “Digital health and digital biomarkers – Enabling value chains on health data,” Current Directions in Biomedical Engineering, (2):1. https://doi.org/10.1515/cdbme-2016-0128
  8. Milena Soriano Marcolino et al. (2018). “The impact of mHealth interventions: Systematic review of systematic reviews,” JMIR mHealth and uHealth, (6):1, e23. https://doi:10.2196/mhealth.8873
  9. Roderick W. Treskes et al. (2018). “Implementation of smart technology to improve medication adherence in patients with cardiovascular disease: Is it effective?” Expert Review of Medical Devices, (15):2, pp. 119–126. https://doi:10.1080/17434440.2018.1421456
  10. Shabana Arora (2016). “Recommendation engines: How Amazon and Netflix are winning the personalization battle,” MarTech Advisor, June 2016. www.martechadvisor.com/articles/customer-experience-2/recommendation-engines-how-amazon-and-netflix-are-winning-the-personalization-battle/. Accessed 25 May 2020.