Giải thích cho hành vi không tuân thủ – Năng lực, Cơ hội, Động lực và Hành vi (COM-B)

  • Có rất nhiều lý do để bệnh nhân không tuân thủ điều trị bệnh tim mạch, trong đó, một số lý do có thể thay đổi được. Do đó, cần có một bộ khung toàn diện để đánh giá và hiểu rõ về hành vi tuân thủ1
  • Hệ thống COM-B là một bộ khung giúp tìm hiểu những hành vi tác động đến sự tuân thủ, bao gồm Khả năng, Cơ hội và Động lực2, 3
  • COM-B giúp hiểu rõ mối quan hệ giữa bệnh nhân và mức độ tuân thủ, nhờ đó bác sĩ có thể dễ dàng xác định các biện pháp can thiệp thích hợp cho bệnh nhân2

Cần có một bộ khung toàn diện để đánh giá hành vi tuân thủ

Các đánh giá mang tính hệ thống về hành vi không tuân thủ cho thấy có vô số nguyên nhân có thể khiến bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị của mình.1

Có những nguyên nhân có thể khắc phục thay đổi được, chẳng hạn như kiến thứchiểu biết của bệnh nhân về tình trạng bệnh, những hỗ trợ mà bệnh nhân có, và các nguyên nhân không thể khắc phục, như tuổi tácgiới tính.1

Một đánh giá tổng hợp cho 51 bài đánh giá mang tính hệ thống về 19 loại bệnh khác nhau và đánh giá tình trạng không tuân thủ các liệu pháp điều trị mạn tính đã xác định hơn 750 yếu tố khác nhau. Phần lớn các yếu tố liên quan đến việc thực hiện điều trị, và một phần nhỏ liên quan đến sự kiên trì.1

Thuật ngữĐịnh nghĩa
Thực hiện điều trị1Cách một bệnh nhân dùng liều thuốc tương ứng với chế độ liều lượng được chỉ định
Kiên trì1Khoảng thời gian từ khi bắt đầu dùng thuốc đến khi dùng liều cuối cùng trước khi ngừng thuốc

Đối với bệnh tim mạch, có rất nhiều nguyên nhân khác nhau khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bệnh nhân thường ngừng thuốc do tác dụng phụ, nhầm lẫn về đơn thuốc, do chi phí đắt đỏ hoặc không tin tưởng vào liệu pháp điều trị hay hệ thống y tế.Các yếu tố liên quan khác bao gồm vấn đề tâm lý xã hội như trầm cảm.5 Các bằng chứng khác cho thấy hành vi không tuân thủ dùng thuốc có thể thay đổi tùy theo các yếu tố bên ngoài khác. Mới đầu, mức độ không tuân thủ dùng thuốc có thể tương đối thấp sau khi xảy ra một biến cố về bệnh tim mạch, nhưng thông thường, bệnh nhân sẽ ngày càng không tuân thủ điều trị.6

Tóm lại, các biện pháp can thiệp đa diện có thể là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng không tuân thủ điều trị, chẳng hạn như sự hỗ trợ cần thiết từ bạn bè và gia đình về mặt xã hội.7

image bác sĩ bệnh nhân cùng hợp tác

Cần có một bộ khung toàn diện để đánh giá hành vi tuân thủ

COM-B là một phương pháp mới để phân loại các nguyên nhân dẫn đến hành vi không tuân thủ

Hệ thống COM-B là một bộ khung giúp hiểu rõ về hành vi hơn.3

Các yếu tố tác động đến các hành vi đối với sức khỏe có thể được chia thành ba nhóm chính:2, 3

Năng lực“Là năng lực thể chất hoặc tâm lý để thực hiện một hoạt động nào đó”, chẳng hạn như người bị bệnh tim có thể gặp khó khăn khi nuốt thuốc hoặc ghi nhớ việc uống thuốc
Cơ hội“Là tất cả các yếu tố bên ngoài giúp người bệnh có thể thực hiện hoặc tạo điều kiện để họ thực hiện hành vi”, ví dụ: bệnh nhân có thể không tiếp cận được dịch vụ y tế phù hợp do chi phí đắt đỏ
Động lực“Là quy trình não bộ truyền năng lượng và chỉ đạo hành vi”, ví dụ: bệnh nhân tăng huyết áp có thể sẽ cảm thấy mình không cần điều trị và không thấy lo lắng về các tác dụng phụ

Mô hình đưa ra giả thuyết rằng sự tương tác giữa ba yếu tố này sẽ tạo ra hành vi. Mỗi yếu tố có thể tác động trực tiếp đến hành vi. Ngoài ra, yếu tố Cơ hội và Năng lực có thể ảnh hưởng đến Động lực, từ đó ảnh hưởng đến hành vi. COM-B là một mô hình động – mức độ hành vi có thể ảnh hưởng ngược lại đến Năng lực, Cơ hội và Động lực.2

Khung này hiện đã được áp dụng để đánh giá mức độ tuân thủ. COM-B được coi là cơ sở để lựa chọn các biện pháp can thiệp có hiệu quả cao trong thực hành lâm sàng.2

Năng lực

Năng lực được định nghĩa là khả năng thể chất và tâm lý của con người để tham gia vào một hoạt động nào đó, trong đó có việc học tập kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện việc đó.3

Các yếu tố tâm lý có liên quan đến mức độ tuân thủ bao gồm hiểu biết về tình trạng bệnh và phương pháp điều trị, tư duy nhận thức (ví dụ: trí nhớ, khả năng phán đoán, tư duy) và chức năng quản lý (chẳng hạn khả năng lập kế hoạch).2

Khả năng thể chất là yếu tố rất quan trọng để bệnh nhân thích nghi với những thay đổi trong lối sống (như thay đổi chế độ ăn uống hoặc các hành vi xã hội). Độ khéo léo, hoặc khả năng nuốt cũng rất quan trọng để bệnh nhân có thể uống thuốc đúng cách.2

Theo mô hình COM-B, trẻ em có rào cản về năng lực (vd: không thể tự uống thuốc hay tự lên kế hoạch quản lí thời gian uống thuốc,..)

Cơ hội

Cơ hội được định nghĩa là tất cả các yếu tố giúp thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi. Các yếu tố này có thể được phân loại thành cơ hội vật chất và cơ hội xã hội.2

Cơ hội vật chất” là những cơ hội có sẵn ở môi trường xung quanh, như chi phí, khả năng tiếp cận thuốc, đặc điểm của thuốc (mùi vị, kích thước, hình dạng, đường dùng) và mức độ phức tạp của phác đồ điều trị.2

Các yếu tố cơ hội xã hội bao gồm hỗ trợ xã hội và mối quan hệ/tiêu chuẩn giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân.2

Động lực

Động lực là tất cả các quá trình não bộ tạo năng lượng và chỉ đạo hành vi. Trong khung COM-B, các yếu tố động lực được chia thành “Phản xạ” hoặc “Tự động”.2

Động lực phản xạ bao gồm đánh giá và kế hoạch. Các động lực phản xạ tác động đến mức độ tuân thủ điều trị bao gồm nhận thức của bệnh nhân về tình trạng bệnh của họ (ví dụ: nguyên nhân, giai đoạn bệnh [mạn tính và cấp tính], hậu quả, v.v.), niềm tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị (ví dụ: sự cần thiết, hiệu quả của phương pháp điều trị, mối lo ngại về các tác dụng phụ hiện tại hoặc tương lai và ác cảm với việc dùng thuốc), kỳ vọng của bệnh nhân về kết quả điều trị và sự tin tưởng bản thân trong việc tiếp tục điều trị.2

Động lực tự động là những cảm xúc và sự thôi thúc từ việc học tập và/hoặc những tâm tính, bao gồm các kích thích hoặc tín hiệu hành động, cũng như tâm trạng hoặc tình trạng rối loạn tâm trạng của bệnh nhân, ví dụ như trầm cảm hoặc lo âu.2

Ưu điểm của COM-B trong việc tìm hiểu mức độ tuân thủ

COM-B có nhiều ưu điểm hơn trong việc giải thích mức độ tuân thủ so với các mô hình trước đây có phạm vi hẹp hơn. Mô hình này bao gồm các quy trình mang tính tự giác như thói quen, không giống như các mô hình nhận thức xã hội từng được áp dụng để xác định mức độ tuân thủ. Sự cụ thể chi tiết của COM-B giúp mô tả chính xác mối tương quan giữa các đặc điểm của bệnh nhân với mức độ tuân thủ của họ, đồng thời giúp xác định các biện pháp can thiệp thích hợp dễ dàng hơn.2

Tài liệu tham khảo:

  1. Kardas P, et al. Determinants of patient adherence: A review of systematic reviews. Frontiers in Pharmacology 2013;4:91.
  2. Jackson C, et al. Applying COM-B to medication adherence. European Health Psychologist 2014;16:7–17.
  3. Michie S, et al. The behaviour change wheel: a new method for characterising and designing behaviour change interventions. Implement Sci 2011;6:42.
  4. Garavalia L, et al. Exploring Patients’ Reasons for Discontinuance of Heart Medications. J Cardiovasc Nurs 2009;24(5):371–9.
  5. Bane C, et al. The impact of depressive symptoms and psychosocial factors on medication adherence in cardiovascular disease. Patient Education and Counseling 2006;60:187–93.
  6. Presseau J, et al. Identifying determinants of medication adherence following myocardial infarction using the Theoretical Domains Framework and the Health Action Process Approach. Psychol Health 2017;32(10):1176–94.
  7. Scheurer D, et al. Association between different types of social support and medication adherence. Am J Manag Care 2012;18(12):e461–7.