Hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị với Chương trình Hỗ trợ Bệnh nhân (PSP): Sự ra đời của kỷ nguyên số

  • Các Chương trình Hỗ trợ Bệnh nhân (PSPs) là các phương pháp can thiệp hành vi được xây dựng để giúp bệnh nhân tuân thủ các kế hoạch điều trị và đơn thuốc
  • PSPs ngày càng tích hợp nhiều kỹ thuật số, như SMS, cổng thông tin điện tử và trí tuệ nhân tạo, để tiếp cận nhiều bệnh nhân nhất có thể
  • PSPs hiệu quả được ứng dụng trên từng bệnh nhân, việc áp dụng các phương pháp khoa học hành vi cho các can thiệp kỹ thuật số làm tăng tính hiệu quả của PSPs

PSPs là những phương pháp can thiệp hành vi nhằm giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị hơn

Chương trình Hỗ trợ Bệnh nhân (PSPs) bao gồm các dạng như hộp thuốc hoặc vỉ thuốc ghi sẵn lịch uống, các chương trình được tổ chức dựa trên các bộ khung khoa học về hành vi.1,2 Các chương trình này có thể do các bác sĩ phòng khám cung cấp trực tiếp hoặc thông qua các chương trình được tài trợ. Chương trình PSP được thiết kế để giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi điều trị và tuân thủ điều trị tốt hơn. Các chương trình này có thể hỗ trợ bệnh nhân hàng ngày, trong khi đó, bệnh nhân chỉ có thể thi thoảng gặp bác sĩ.

PSPs ngày càng được số hóa

Theo ước tính, có khoảng 95% dân số toàn cầu hiện đang sống trong các khu vực có mạng di động, do đó các giải pháp y tế di động (“mHealth”) được đưa vào PSP ngày càng nhiều.3 Các đánh giá ban đầu chỉ ra rằng các chương trình PSP4 và các giải pháp y tế di động1 có thể có nhiều tác động tích cực đến mức độ tuân thủ và kết quả điều trị, chẳng hạn như mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, thường thì các chương trình này thiếu phương pháp thực chứng và hạn chế về mặt cá nhân hóa.5, 6

Các công ty công nghệ lớn như Amazon đã áp dụng các phương pháp cá nhân hóa bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán nhu cầu của khách hàng, từ đó điều chỉnh các đề xuất cho họ.7

Cổng thông tin điện tử có thể giúp bệnh nhân nắm rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình và giúp họ cùng bác sĩ đưa ra quyết định điều trị. Cổng thông tin điện tử có thể lên lịch thăm khám trực tuyến và khám bệnh từ xa, xem kết quả xét nghiệm và bổ sung đơn thuốc.8, 9

Tương tự, các giải pháp kỹ thuật số được cá nhân hóa bằng phương pháp khoa học về hành vi cũng có thể giúp ích rất nhiều trong việc cải thiện mức độ tuân thủ điều trị.2

image số hóa công cụ

PSPs ngày càng được số hóa

Kết hợp các giải pháp y tế di động vào PSP để hỗ trợ nhiều bệnh nhân tuân thủ điều trị

Sự phát triển của công nghệ di động trong thập kỷ qua đã giúp các phương pháp hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng được phổ biến rộng rãi, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, với ước tính khoảng 7 tỷ thuê bao điện thoại di động trên toàn cầu.3 Các biện pháp can thiệp đơn giản bằng tin nhắn văn bản là công cụ quan trọng để tiếp cận nhiều bệnh nhân và giúp bác sĩ không mất nhiều thời gian,2 đặc biệt ở các nước đang phát triển. Đây cũng là một yếu tố thường có trong các chương trình PSP hiệu quả. Các giải pháp mHealth như gửi tin nhắn và tin nhắn văn bản (SMS) giúp theo dõi bệnh nhân từ xa, hỗ trợ bệnh nhân giao tiếp và cải thiện mức độ tuân thủ điều trị.10 Tin nhắn văn bản mang đến kết quả tích cực trong việc giúp bệnh nhân thay đổi hành vi nhờ khả năng nhắc nhở lịch hẹn khám và uống thuốc, nâng cao sức khỏe như cai thuốc lá và tham gia vào các hoạt động cộng đồng; những điều này có thể ảnh hưởng tích cực đến mức độ tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính.3

Các bằng chứng hiện tại cho thấy việc tin nhắn SMS giúp cải thiện mức độ tuân thủ điều trị bệnh tim mạch rất khả quan nhưng chưa được xác thực hoàn toàn.11, 12 Trong một đánh giá của bảy thử nghiệm trên các bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, sáu trường hợp cho thấy các biện pháp can thiệp bằng tin nhắn văn bản có ảnh hưởng tích cực. Tuy nhiên, để xác nhận chính xác thì cần có thêm bằng chứng từ các thử nghiệm có quy mô lớn hơn.11
Những biện pháp can thiệp này thường tập trung vào việc nhắc nhở để giải quyết tình trạng hay quên, đây chỉ là một yếu tố quyết định mức độ tuân thủ. Giáo dục bệnh nhân cũng là một phương pháp rất hiệu quả, nhưng không dễ thực hiện trên nền tảng số13 do bệnh nhân và bác sĩ không tương tác trực tiếp. Để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho bệnh nhân và giúp chương trình đạt được hiệu quả, các chương trình PSP kỹ thuật số phải được thực hiện trên từng bệnh nhân (cá nhân hóa) để có thể xác định nguy cơ và nguyên nhân dẫn đến hành vi của từng bệnh nhân.2

Một chương trình PSP hiệu quả sẽ “cá nhân hóa” các giải pháp kỹ thuật số cho từng bệnh nhân

Việc áp dụng các lý thuyết khoa học về hành vi để cá nhân hóa PSP và các biện pháp can thiệp mức độ tuân thủ mang lại hiệu quả rất lớn.5, 6 Các giải pháp được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân theo nhu cầu và niềm tin của họ có thể giúp bệnh nhân có được trải nghiệm tốt hơn và mang lại kết quả tích cực.2 Tuy nhiên, việc cá nhân hóa các chương trình PSP gặp phải một số khó khăn:

  • Các mô hình đánh giá mức độ tuân thủ hiện tại không phù hợp với nền tảng số. Đa số các mô hình đánh giá mức độ tuân thủ và mô hình khoa học hành vi đều thiếu các nguyên tắc toán học liên tục và chi tiết để làm cơ sở cho AI và để tương tác hiệu quả với các chương trình hỗ trợ kỹ thuật số.2 Tuy nhiên, nghiên cứu về cá nhân hóa gần đây nhất được xây dựng dựa trên các mô hình này cho phép lập hồ sơ bệnh nhân bằng bảng câu hỏi để tạo ra một mô hình số về mức độ tuân thủ của bệnh nhân2
  • Dữ liệu do bệnh nhân tự cung cấp có thể không chính xác tuyệt đối. Các mô hình cá nhân hóa được quản lý trên nền tảng số có thể yêu cầu dữ liệu do người bệnh tự cung cấp, do đó, dữ liệu này có thể không chính xác tuyệt đối2, 4

Một ví dụ về sự tương tác bằng PSP

  1. Bệnh nhân bị tăng huyết áp có mặt tại phòng khám để kiểm tra sức khỏe định kỳ.
  2. Bác sĩ đặt các câu hỏi dựa trên khoa học hành vi và nhận thấy rằng bệnh nhân không dùng thuốc theo hướng dẫn, không kiểm soát tốt chế độ ăn uống và lượng muối hấp thụ cũng như không cảm thấy mình cần có trách nhiệm kiểm soát tình trạng bệnh.
  3. Bác sĩ đề nghị bệnh nhân đăng ký một chương trình hỗ trợ qua tin nhắn SMS (với sự đồng ý của bệnh nhân) để tìm hiểu thêm về tình trạng sức khỏe của mình cũng như hiểu tầm quan trọng của việc điều chỉnh lối sống và tuân thủ điều trị. Ngoài ra, bệnh nhân còn được cung cấp một số tài liệu thông tin bản cứng.
  4. Vài ngày sau, bệnh nhân nhận được cuộc gọi đăng ký từ một chuyên viên, chuyên viên này đưa ra các câu hỏi để xác định loại hỗ trợ và thời gian hỗ trợ mà bệnh nhân cần.
  5. Bệnh nhân được gửi tin nhắn SMS định kỳ để được hỗ trợ về chế độ ăn uống và nhận được thông tin về bệnh tăng huyết áp cũng như được tư vấn qua điện thoại.
  6. Bệnh nhân sẽ hiểu rõ hơn về bệnh tăng huyết áp và tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị.

PSP “cá nhân hóa” kết hợp với kỹ thuật số sẽ giúp tăng tính tuân thủ cho bệnh nhân

PSP là công cụ quan trọng giúp bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân

Sự giáo dục, lời khuyên và sự hỗ trợ của bác sĩ dành cho bệnh nhân về các chủ đề lâm sàng như tuân thủ điều trị đóng một vai trò không thể thay thế, và có thể được cải thiện đáng kể thông qua khoa học hành vi, giúp bác sĩ tác động đến cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.1, 2 Bác sĩ có thể sử dụng những lý thuyết này để đánh giá nguy cơ không tuân thủ điều trị của bệnh nhân và hỗ trợ bệnh nhân phù hợp hơn.2

Không những thế, những phương pháp này có thể được cải thiện hơn nữa nhờ các giải pháp số hỗ trợ tuân thủ và chương trình PSP, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ và mang đến giá trị cho bệnh nhân. Các giải pháp và PSP cung cấp các tài liệu thông tin quan trọng và hỗ trợ bệnh nhân nhiều hơn.2 Khả năng cá nhân hóa công cụ số có thể giúp cải thiện các sáng kiến hỗ trợ bệnh nhân và giúp họ thay đổi hành vi của mình.2 Bác sĩ có thể giải thích cho bệnh nhân về những lợi ích của PSP và giúp bệnh nhân lập kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.2

Tài liệu tham khảo:

  1. Gandapur Y, et al. The role of mHealth for improving medication adherence in patients with cardiovascular disease: a systematic review. Eur Heart H Qual Care Clin Outcomes 2016;2(4):237–44.
  2. Dolgin K. The SPUR Model: A Framework for Considering Patient Behavior. Patient Prefer Adherence 2020;14:97–105.
  3. Iribarren SJ, et al. Scoping review and evaluation of SMS/text messaging platforms for mHealth projects or clinical interventions. Int J Med Inform 2017;101:28–40.
  4. Ganguli A, et al. The impact of patient support programs on adherence, clinical, humanistic, and economic patient outcomes: a targeted systematic review. Patient Prefer Adherence 2016;10:711–25.
  5. Van den Bemt BJF, et al. Medication adherence in patients with rheumatoid arthritis: a critical appraisal of the existing literature. Expert Rev Clin Immunol 2012;8(4):337–51.
  6. Michie M, et al. The behaviour change wheel: A new method for characterising and designing behaviour change interventions. Implement Sci 2011;6:42.
  7. Arora S (Martech Advisor). “Recommendation Engines: How Amazon and Netflix are Winning the Personalization Battle”. Available at: https://www.martechadvisor.com/articles/customer-experience-2/recommendation-engines-how-amazon-and-netflix-are-winning-the-personalization-battle/ [Accessed Jan 21, 2020].
  8. Graetz I, et al. Association of Mobile Patient Portal Access With Diabetes Medication Adherence and Glycemic Levels Among Adults With Diabetes. JAMA Network Open 202;3(2):e1921429.
  9. Ferdinand KC, et al. Improving Medication Adherence in Cardiometabolic Disease: Practical and Regulatory Implications. J Am Coll Cardiol 2017;69(4):437–51.
  10. Meister S, et al. Digital health and digital biomarkers – enabling value chains on health data. Current Directions in Biomedical Engineering 2016;2(1):577–81.
  11. Adler AJ, et al. Mobile phone text messaging to improve medication adherence in secondary prevention of cardiovascular disease. Cochrane Database Syst Rev 2017;4(4):CD011851.
  12. Palmer MJ, et al. Mobile phone-based interventions for improving adherence to medication prescribed for the primary prevention of cardiovascular disease in adults. Cochrane Database Syst Rev 2018;6(6):CD012675.
  13. Treskes RW, et al. Implementation of smart technology to improve medication adherence: is it effective? Expert Rev Med Devices 2018;15(2):119–26.