Các Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân tác động như thế nào đến việc tuân thủ?
Thông điệp chính
- Một số Chương trình Hỗ trợ Bệnh nhân (PSPs) làm tăng đáng kể tỷ lệ tuân thủ trong khi những chương trình khác chỉ đem lại tác động hạn chế.
- Thuyết khoa học hành vi và những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số có thể tăng cường sự tham gia vào các chương trình PSP và cải thiện hiệu quả của chúng.
Không tuân thủ là một vấn đề lớn mà PSPs có thể giải quyết
Không tuân thủ là một rào cản lớn hạn chế lợi ích của các phương pháp điều trị hiệu quả trên lâm sàng. Các loại thuốc đã được chứng minh là tiềm năng trong các thử nghiệm lâm sàng thường không phát huy được tiềm năng đó trên thực tế do không có sự tuân thủ. Các con số đã tự nói lên: Tỷ lệ tuân thủ các phương pháp điều trị mạn tính trung bình là 50%.1 Như đã trình bày trong các bài trước của loạt bài này, tỷ lệ tuân thủ thấp có tác động đáng kể đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của bệnh nhân, cũng như gây nhiều hậu quả lớn hơn về mặt xã hội và tài chính. Một bài tổng quan nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí do các biến chứng liên quan đến không tuân thủ điều trị trên mỗi bệnh nhân nằm trong khoảng trung bình từ 1.000 đô la đến hơn 40.000 đô la. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, tổng chi phí chăm sóc sức khỏe do ảnh hưởng của việc không tuân thủ điều trị (bệnh nhân không tuân thủ các phương pháp điều trị theo chỉ định từ bác sĩ) đã lên tới 290 tỷ đô la mỗi năm.2 Không tuân thủ là một vấn đề toàn cầu, không phụ thuộc vào văn hóa của bệnh nhân, giới tính, tuổi tác hay tình trạng kinh tế xã hội.
Nguyên nhân nào gây ra sự không tuân thủ? Ở phần đầu loạt bài viết này, chúng ta đã xem xét một số nguyên nhân chẳng hạn như bệnh nhân có thể không hiểu bệnh tình của mình, thích phớt lờ, quên uống thuốc hoặc trong phần lớn các trường hợp, họ vẫn tỉnh táo quyết định không tuân thủ điều trị chỉ vì những lý do đặc biệt không hoàn toàn hợp lý. Bất kể nguyên nhân là gì, các bệnh nhân này lựa chọn những hành vi bất hợp lý không hướng đến kết quả sức khỏe tốt nhất. Để giúp bệnh nhân thay đổi hành vi của họ, các nhân viên y tế, ngành công nghiệp dược phẩm, các hiệp hội y học khoa học và những cơ quan khác đã triển khai nhiều chiến lược. Các giải pháp này bao gồm từ các cách tiếp cận đơn giản, chẳng hạn như cung cấp dịch vụ thông tin bệnh nhân hoặc phát triển các ứng dụng, cho đến các cách tiếp cận phức tạp hơn như hộp thuốc điện tử. Tuy những công cụ này thường hỗ trợ theo dõi sự tuân thủ, giá thành khiến chúng phi thực tế trên quy mô lớn và những thiết bị như vậy thường không làm giảm đáng kể vấn đề không tuân thủ, đặc biệt ở những bệnh nhân chưa có động cơ tuân thủ.3 Ý kiến cho rằng chỉ cần cung cấp thông tin tốt hơn thì bệnh nhân sẽ thay đổi hành vi của mình, đây là sai lầm. Có lẽ điều này sẽ hiệu quả nếu tất cả chúng ta đều là những “econs” hoàn toàn lý trí nhưng vì chúng ta là những người phi lý nên sẽ đòi hỏi nhiều yêu cầu hơn mới có thể thay đổi hành vi.
Dù có hay không có các thiết bị như vậy, những nỗ lực chính để giúp bệnh nhân tuân thủ điều trị và quản lý bệnh tình của họ tốt hơn thuộc về các dịch vụ thường được gọi là Chương Trình Hỗ Trợ Bệnh Nhân (PSP). Một số PSP thuần cung cấp thông tin thiết thực cho bệnh nhân về các chủ đề bao gồm quản lý bệnh tật và quản lý thuốc (đặc biệt đối với các loại thuốc phức tạp). Các kênh thông tin mà bệnh nhân nhận được có thể chỉ giới hạn trong những tài liệu in hoặc điện tử, nhưng trong nhiều trường hợp chúng bao gồm cả các can thiệp trực tiếp hoặc từ xa. Mặc dù việc cung cấp thông tin và giáo dục bệnh nhân là rất quan trọng nhưng các PSP tự giới hạn chỉ gồm những chức năng này không đặc biệt hiệu quả trong việc cải thiện sự tuân thủ, không phải vì thông tin chúng cung cấp không hữu ích, mà là vì nó thường không đủ. Nhiều chương trình như vậy được bệnh nhân đánh giá rất cao, dựa trên phản hồi của bệnh nhân và nhân viên y tế, chúng có thể mang lại kết quả tác động cao. Thật không may, tồn tại một sai lệch lựa chọn trong vấn đề này: Những bệnh nhân sử dụng nhiều nhất và đánh giá cao các chương trình này thường có xu hướng là những người vốn đã có động lực mạnh mẽ tuân thủ điều trị. Kết quả là, các chương trình nhấn mạnh vào giáo dục và thông tin có thể chỉ tác động tối thiểu lên vấn đề tuân thủ ở qui mô dân số.
Những PSP khác cung cấp các công cụ thuần về hành vi; chúng bao gồm hệ thống nhắc nhở, theo dõi triệu chứng và các nguồn lực khác. Chúng bị hạn chế về mặt hiệu quả vì những lý do cơ bản giống nhau: Những người sử dụng các công cụ thiết thực như vậy thường đã có động cơ tuân thủ nghiêm chỉnh kế hoạch chăm sóc bản thân. Tính hữu ích của PSPs là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu mong muốn gây ảnh hưởng đến tỷ lệ tuân thủ chung trên số đông bệnh nhân, chúng ta phải tìm cách thúc đẩy tất cả bệnh nhân tham gia, vượt qua các mức kích hoạt hành vi, mức động lực và nhu cầu – cho dù đó là thông tin, lời nhắc nhở hay là các biện pháp can thiệp khác. Điều này có thể đạt được hiệu quả nhất bằng cách kết hợp PSPs với cả chiến lược hành vi và cung cấp thông tin được tạo ra bởi các nguyên tắc khoa học hành vi mà chúng tôi đã đề cập trong suốt loạt bài viết này.
Tác động của PSP đối với sự tuân thủ: Một chủ đề gây tranh cãi
Một nghiên cứu tổng hợp năm 2017 trên hơn 700 can thiệp PSP cho thấy sự gia tăng hạn chế về mức độ tuân thủ của bệnh nhân.4 Bài đánh giá xác định rằng thường có những sai lệch trong việc báo cáo các nghiên cứu như vậy và cho rằng các can thiệp điển hình nhất, ví dụ như những can thiệp được thiết kế để tiến hành tại bệnh viện có kết quả cải thiện tuân thủ đặc biệt kém (trong khi những chương trình được các dược sĩ truyền tải trông có vẻ hiệu quả hơn). Điều này gây khó khăn, tuy nhiên nó đưa ra một lưu ý cảnh báo quan trọng về vai trò của việc tiếp tục cung cấp các chương trình đơn thuần giống nhau không có sự khác biệt.
Một nghiên cứu tổng hợp năm 2015 trên 17 PSP có chọn lọc gồm hơn 10.000 bệnh nhân đã đem đến một cái nhìn lạc quan hơn. Nghiên cứu này đã xem xét ảnh hưởng của PSP đối với việc tuân thủ điều trị ở những bệnh nhân mắc các bệnh lý viêm và miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, loãng xương, viêm loét đại tràng hoặc bệnh đa xơ cứng.5 Các PSP đã kiểm tra những chiến lược thông tin được thực hiện và những chiến lược hành vi hoặc sự kết hợp của cả hai chiến lược với nhau. Kết quả cho thấy mức độ tuân thủ trung bình tăng lên:
- 11,5% đối với các PSP chỉ sử dụng các chiến lược thông tin
- 14% đối với các PSP chỉ sử dụng các chiến lược hành vi
- 31% đối với các PSP sử dụng cả hai chiến lược
Mặc dù nghiên cứu này chỉ giới hạn ở một số bệnh lý nhất định, nhưng những kết quả này cho thấy rằng sự kết hợp cẩn thận giữa các chiến lược thông tin và hành vi có thể tạo ra tác động đáng kể và tránh đi đến kết quả còn bỏ ngỏ của các can thiệp kém toàn diện hơn.
Tương lai của PSPs: Cá nhân hóa thông qua khoa học hành vi và kỹ thuật số hóa có làm tăng sự tuân thủ hay không?
Vào năm 2003, WHO đã trích dẫn lời nói của R.B. Haynes: “việc tăng hiệu quả các can thiệp tuân thủ có thể đem lại tác động lớn hơn nhiều đến sức khỏe của người dân so với bất kỳ phương pháp điều trị y khoa cụ thể nào.”6 Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng các can thiệp PSP còn đem lại giá trị gây tranh cãi nếu chúng không được thiết lập cẩn thận. Nhu cầu về PSP có vẻ hiển nhiên nhưng chúng phải được thiết kế phù hợp. Một cách tiếp cận thiết kế đầy hứa hẹn là cá nhân hóa PSP như đã thảo luận trước đây trong loạt bài này. Thông qua cá nhân hóa, sự kết hợp giữa truyền thông thông tin và nhiều cách tiếp cận theo kiểu huấn luyện hơn nữa có thể được tuỳ chỉnh trên cơ sở cá nhân, thông tin cụ thể, nội dung hành vi và cách thức của những can thiệp này có thể được điều chỉnh cho phù hợp với từng bệnh nhân.
Trước đây, những PSP được cá nhân hóa cao như vậy rất hiếm do các chi phí liên quan. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật số và di động, cách tiếp cận cá nhân hóa hiện có thể được áp dụng trên quy mô lớn hơn. Ngoài ra, những phát triển gần đây trong khoa học hành vi, được thảo luận trong các bài viết trước (xem bài Hai hệ thống tư duy: tại sao những người “lý trí” lại đưa ra những lựa chọn “phi lý”), cung cấp hiểu biết rõ hơn về quá trình ra quyết định của mỗi bệnh nhân và có thể hiệu quả hơn nhiều trong việc xác định các hành động thúc đẩy cá nhân phù hợp với bệnh nhân dựa trên thái độ của họ. Các công nghệ kỹ thuật số tận dụng những kỹ thuật khoa học hành vi tạo ra những cải thiện đáng kể trong việc cá nhân hóa và trải nghiệm bệnh nhân một cách hiệu quả.
Hiệu quả của các tiếp cận cá nhân hóa sử dụng công nghệ kỹ thuật số đã được chứng minh trong các ngành nghề hoạt động dựa trên nền tảng người tiêu dùng như thương mại điện tử và ngân hàng. Các công ty như Netflix, Amazon, Rakuten và những công ty khác phát triển lớn mạnh nhờ vào việc sử dụng các tiếp cận cá nhân hóa. Những nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng cho bệnh nhân; hãy xem xét một chatbot (ứng dụng phần mềm dùng để quản lý một hệ thống thảo luận trực tuyến bằng văn bản hoặc văn bản chuyển thành giọng nói, thay vì cung cấp các thảo luận trực tiếp với người dùng có thật) có “người hướng dẫn-bệnh nhân” ảo giúp bệnh nhân quản lý bệnh tật và phương pháp điều trị luôn có sẵn qua điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính. Bệnh nhân trả lời một bảng câu hỏi thiết kế theo thuyết khoa học hành vi đồng thời nhận các lời khuyên thúc đẩy sự tuân thủ dưới dạng các tin nhắn đã được tuỳ chỉnh cụ thể theo nhu cầu và các tác nhân điều khiển hành vi của họ. Ứng dụng này thậm chí bao gồm âm báo của tin nhắn nhận được, thời gian hiện lên trong ngày v.v.
Những “chatbots” như vậy gần đây đã được trình diện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tác động của chúng vẫn chưa được đo lường. Tuy nhiên, chúng mở ra một triển vọng hoàn toàn mới cho PSPs và giải quyết vấn đề không tuân thủ, cho phép mở rộng ảnh hưởng tích cực của các nhân viên chăm sóc sức khỏe vào cuộc sống hàng ngày của bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo
1. Capgemini, Estimated Annual Pharmaceutical Revenue Loss Due to Medication Non-Adherence, (Accessed: July 23rd 2020), https://www.capgemini.com/wp-content/uploads/2017/07/Estimated_Annual_Pharmaceutical_Revenue_Loss_Due_to_Medication_Non-Adherence.pdf
2. Cutler, Rachelle Louise, Fernando Fernandez-Llimos, Michael Frommer, Charlie Benrimoj, and Victoria Garcia-Cardenas. “Economic Impact of Medication Non-Adherence by Disease Groups: A Systematic Review.” BMJ Open 8, no. 1 (January 2018): e016982. (Accessed: July 23rd 2020) https://doi.org/10.1136/bmjopen-2017-016982.
3. Niteesh K. Choudhry and others, Effect of Reminder Devices on Medication Adherence, JAMA Internal Medicine, 01 May 2017, 177(5):624-631 doi:10.1001/jamainternmed.2016.9627,
4. Vicki S. Conn, Medication adherence outcomes of 771 intervention trials: systematic review and meta-analysis, Preventive Medicine Volume 99, June 2017, Pages 269-276 doi: 10.1016/j.ypmed.2017.03.008
5. Chakkarin Burudpakdee and others, Impact of patient programs on adherence and persistence in inflammatory and immunologic diseases: a meta-analysis, Patient Preference and Adherence 2015:9, pages 435–448, doi: 10.2147/PPA.S77053
6. Sabaté, Eduardo, and World Health Organization. Adherence to Long-Term Therapies: Evidence for Action. Geneva: World Health Organization, 2003.