Mô hình xuyên lý thuyết và các giai đoạn tuân thủ của bệnh nhân

Thông điệp chính

  • Mô hình xuyên lý thuyết (Transtheoretical Model – TTM) đề xuất một cách tiếp cận từng bước để thay đổi các hành vi sức khỏe một cách hiệu quả.
  • TTM có thể giúp các nhân viên y tế đánh giá niềm tin và hành vi ảnh hưởng đến việc điều trị của bệnh nhân và đưa ra sự hỗ trợ cần thiết để thúc đẩy sự thay đổi tích cực
  • TTM là một trong những mô hình hành vi sức khỏe được sử dụng rộng rãi nhất và đã được chứng minh là đem lại tác động tích cực đến các hành vi khác nhau bao gồm tuân thủ điều trị

Mô hình xuyên lý thuyết: Một công cụ đem lại sự thay đổi tích cực
TTM mô tả sự tuân thủ dựa trên sự sẵn sàng thay đổi của một cá nhân

Phiên bản đầu tiên của TTM được đề xuất vào những năm 1980 bởi James Prochaska và Carlo DiClemente, những người tập trung nghiên cứu về chứng nghiện nicotine; kể từ đó, nó đã được áp dụng cho một số hành vi sức khỏe khác nhau.4,6

TTM bao gồm hai thành phần chính: các giai đoạn thay đổi và các quá trình thay đổi. Các giai đoạn thay đổi là cốt lõi của mô hình và mô tả sự sẵn sàng cũng như sự sẵn lòng thực sự thay đổi của một cá nhân theo năm bước riêng biệt. Áp dụng các giai đoạn này cho bệnh nhân chóng mặt có thể giống như sau:

Giai đoạn 1: Tiền dự định. Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị theo chỉ định của bác sĩ và không thực sự xem xét thay đổi hành vi của mình vì không nhận thức được lý do thay đổi.4
Giai đoạn 2: Dự định. Bệnh nhân nhận thức được lý do để thay đổi hành vi của mình và đang dự định nhưng hiện tại không nỗ lực để thay đổi. Bất kỳ sự chuẩn bị nào cho sự thay đổi vào thời điểm này hoàn toàn là tinh thần/cảm xúc hơn là thực tế. Theo Prochaska, giai đoạn này mô tả những cá nhân có kế hoạch thay đổi hành vi của họ vào một thời điểm nào đó trong sáu tháng tới nhưng không phải trong 30 ngày tới.
Giai đoạn 3: Chuẩn bị. Bệnh nhân có kế hoạch thay đổi hành vi tuân thủ điều trị của mình trong vòng 30 ngày và đang tích cực chuẩn bị để thay đổi; ví dụ, anh ta có thể đang cố gắng uống thuốc theo chỉ định, nhưng vẫn không thường xuyên.
Giai đoạn 4: Hành động. Bệnh nhân đã thay đổi hành vi và đang theo phác đồ điều trị theo chỉ định nhưng vẫn chưa đến mốc sáu tháng kể từ khi thay đổi. Hành vi mới vẫn đòi hỏi sự nỗ lực.
Giai đoạn 5: Duy trì. Bệnh nhân đã dùng thuốc theo chỉ định và tuân theo các khuyến cáo của bác sĩ trong ít nhất sáu tháng.6 Việc này đã trở thành thói quen và không còn đòi hỏi nhiều nỗ lực có ý thức nữa.

Tiến trình qua các giai đoạn được biểu diễn ở đây là tuyến tính, nhưng trong ứng dụng, nó có thể theo chu kỳ. Do bản chất của sự thay đổi hành vi, có khả năng các cá nhân thoái lui cũng như tiến bộ. Ví dụ, những bệnh nhân chóng mặt trong giai đoạn Hành động đã tuân thủ điều trị trong một vài tháng có thể trở nên không tuân thủ và quay trở lại giai đoạn Chuẩn bị hoặc thậm chí là giai đoạn Dự định.4 Tuy nhiên, họ thường không quay trở lại Giai đoạn Tiền dự định vì điều này có nghĩa là họ đã quên lý do tại sao họ làm theo các khuyến cáo lúc ban đầu. Những bệnh nhân có hành vi thoái lui thường dễ dàng trở lại đúng hướng.

TTM là một công cụ được sử dụng rộng rãi và là một cải tiến so với các mô hình sức khoẻ trước đây như Thuyết về Hành Vi Hoạch Định và Mô Hình Hành Vi Sức Khoẻ ở chỗ nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về việc tạo thuận lợi thực tế cho việc thay đổi hành vi.

Các quá trình thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi từ giai đoạn này sang giai đoạn tiếp theo và được phân loại là theo kinh nghiệm hoặc theo hành vi.
• Các quá trình theo kinh nghiệm chủ yếu hữu ích trong các giai đoạn đầu của thay đổi, chẳng hạn như Dự định. Các quá trình này có thể bao gồm, ví dụ, nâng cao ý thức, tức là bệnh nhân ngày càng nhận ra rằng họ được lợi từ việc điều trị của mình, vì nó kiểm soát các triệu chứng chóng mặt của họ.
• Các quá trình theo hành vi được sử dụng chủ yếu trong các giai đoạn sau. Chúng bao gồm kiểm soát kích thích, ví dụ: giải quyết các kích thích gây ra hành vi không mong muốn và giúp đỡ các mối quan hệ, tức là tìm kiếm những người quan trọng đối với bệnh nhân và sẽ giúp họ tuân thủ.4

TTM giúp nhân viên y tế đánh giá sự tuân thủ và xác định phản hồi hữu ích

TTM có thể đóng vai trò như một công cụ hữu ích cho các nhân viên y tế nhằm đánh giá sự tuân thủ của bệnh nhân và cung cấp phản hồi hoặc đề xuất hữu ích khi cần thiết. Ví dụ, hãy xem xét một bệnh nhân chóng mặt điển hình. Tại cuộc hẹn, bác sĩ hỏi một số câu hỏi mục tiêu liên quan đến điều trị của họ, bao gồm:
• Bệnh nhân tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị và các khuyến cáo về lối sống như thế nào?
• Bệnh nhân có cân nhắc thay đổi hành vi của mình không?
• Bệnh nhân có hiểu được lợi ích của điều trị và rủi ro của việc không tuân thủ điều trị không?


Câu trả lời của bệnh nhân cho thấy rằng anh ta không tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo điều trị và không nhận thức rằng hành vi này là có vấn đề. Vì các triệu chứng của anh ấy không biểu hiện nên lợi ích của việc tuân thủ điều trị không rõ ràng. Sau đó, bác sĩ có thể sử dụng Mô Hình Niềm Tin Sức Khỏe để hướng dẫn buổi thảo luận và cung cấp thông tin về nguy cơ chóng mặt không kiểm soát cũng như lợi ích của việc tuân theo phác đồ điều trị. Bệnh nhân, hiện đã nhận thức được lợi ích của việc tuân thủ, có thể cân nhắc việc thay đổi hành vi của mình và chuyển sang giai đoạn Dự Định thông qua quá trình nâng cao ý thức này.

TTM là một cách tiếp cận hữu ích và có thể thực hiện được nhằm cải thiện sự tuân thủ

TTM là một công cụ được sử dụng rộng rãi và có thể bổ sung cho các mô hình sức khỏe khác như TPB và Mô Hình Hành Vi Sức Khỏe bằng cách tạo điều kiện cho các thay đổi hành vi và theo dõi tiến trình qua các giai đoạn. Nó có thể đặc biệt hữu ích trong việc thông báo cách thức cung cấp thông tin tuân thủ cho bệnh nhân và ảnh hưởng đến việc thiết kế các can thiệp tuân thủ5,7; các nghiên cứu chứng minh rằng bệnh nhân đáp ứng tốt với các phản hồi cá nhân do TTM cung cấp.4 Tuy nhiên, các can thiệp dựa trên TTM không phải lúc nào cũng hiệu quả hơn các phương pháp tiếp cận được thiết kế hợp lý khác,5 và nghiên cứu hành vi sức khỏe ngày càng ưu tiên các mô hình hành vi gần đây hơn, chẳng hạn như COM-B, và những tiến triển khác trong thuyết hành vi sẽ được thảo luận trong các bài viết khác. Những mô hình này miễn phí và cung cấp những nhìn nhận quan trọng về hành trình của bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo

1. Michael Weiser et al. (1998). “Homeopathic vs conventional treatment of vertigo,” JAMA Archives of Otolaryngology–Head & Neck Surgery, (124):8, p. 879. https://doi:10.1001/archotol.124.8.879

2. Lamyae Sardi et al. (2019). “Applying trans-theoretical model for blood donation among Spanish adults: A cross-sectional study.” BMC Public Health, (19):1, p. 1724. https://doi:10.1186/s12889-019-8046-9

3. David Taylor et al. (2006). “A review of the use of the Health Belief Model (HBM), the Theory of Reasoned Action (TRA), the Theory of Planned Behaviour (TPB) and the Trans-Theoretical Model (TTM) to study and predict health related behaviour change” London, UK: National Institute for Health and Clinical Excellence, pp. 1–215.

4. Sara Johnson et al. (2006). “Efficacy of a transtheoretical model-based expert system for antihypertensive adherence,” Disease Management, (9):5, pp. 291–301. https://doi: 10.1089/dis.2006.9.291

5. Sara Johnson et al. (2006). “Transtheoretical Model intervention for adherence to lipid-lowering drugs,” Disease Management, (9):2, pp. 102 –114. https://doi.org/10.1089/dis.2006.9.102

6. James Prochaska & Carlo C. DiClemente, (1983). “Stages and processes of self-change of smoking: Toward an integrative model of change,” Journal of Consulting and Clinical Psychology, (51):3, p. 390. https://doi: 10.1037//0022-006x.51.3.390

7. Danielle L. Ficke & Karen B. Farris (2005). “Use of the transtheoretical model in the medication use process,” Annals of Pharmacotherapy, (39):7-8, pp. 1325–1330. https://doi: 10.1345/aph.1G122