Cải thiện tuân thủ điều trị dựa trên khoa học hành vi
Trong năm 2021, Abbott EPD Việt Nam đã phối hợp với Hội tai mũi họng TP.HCM và các tỉnh phía Nam tổ chức 04 buổi chuyên đề qua chương trình hội thảo khoa học trực tuyến “Cải Thiện Tuân Thủ Điều Trị Dựa Trên Khoa Học Hành Vi”.
Dưới sự dẫn dắt của 2 vị chủ tọa PGS.TS.BS. Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch Liên Chi Hội Thần kinh học TP. Hồ Chí Minh, TS.BS. Trần Công Thắng, Phó trưởng bộ môn thần kinh, Đại học Y Dược TP.HCM và 04 chuyên gia về khoa học hành vi trên thế giới: BS. Kate Wolin, Đồng lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu sinh Zell; Đại học Northwestern, GS. John Weinman, Đại học Hoàng gia Luân Đôn, TS. Sheri D. Pruitt, Nhà Tâm lý học Lâm sàng và Tham vấn Khoa học Hành vi và TS. John Piette, Khoa Y tế công công; Đại học Michigan, các buổi hội thảo trực tuyến chuyên đề đã thu hút hơn 1.000 bác sĩ khắp cả nước tham dự và để lại những thông điệp đáng nhớ:
1. Tuân thủ điều trị của bệnh nhân là một vấn đề hết sức quan trọng, tuy nhiên vẫn có nhiều bệnh nhân bệnh mạn tính không dùng thuốc thường xuyên theo hướng dẫn và tỷ lệ tuân thủ điều trị chỉ từ 50% đến 65%
- Tuân thủ điều trị là mức độ hành vi của người sử dụng tương ứng với các khuyến nghị đã được thống nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không chỉ đối với thuốc mà còn với chế độ thay đổi lối sống, bao gồm 3 vấn đề chính: sau khi được bác sĩ kê toa, bệnh nhân có mua thuốc theo toa không? Sau khi mua thuốc, bệnh nhân có uống thuốc đúng theo toa? Và có duy trì sử dụng thuốc đúng thời gian theo kê toa không?
- Các nguyên nhân của việc không tuân thủ có thể khác nhau tùy từng quốc gia nhưng có một số nguyên nhân giống nhau thường được nói đến là quên, hết thuốc, xa nhà, muốn tiết kiệm tiền. Không phải bệnh nhân không muốn theo hướng dẫn của bác sĩ, mà có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định của họ và “quên” là một lý do an toàn để biện minh cho việc không tuân thủ.
2. Khi nhận thấy rằng việc cung cấp thông tin không làm thay đổi hành vi liên quan đến sức khỏe, các giải thích khác, dựa trên niềm tin của con người, đã được phát triển, bao gồm: niềm tin sức khỏe bị đe dọa, niềm tin hành vi, niềm tin về bản thân & hiệu quả của kết quả, niềm tin về bệnh tật và niềm tin điều trị.
- Dựa trên niềm tin, một khung mô hình đã được xây dựng giúp giải quyết vấn đề tuân thủ – COM-B: Kết hợp tất cả yếu tố đã được tìm thấy để tạo ảnh hưởng đến các hành vi liên quan đến sức khỏe, sau đó xếp thành 3 nhóm lớn: C (Capability): Năng lực; O (Opportunity): Cơ hội; M (Motivation): Động lực => B (Behavior): Hành vi.
- Một số gợi ý cho sự thay đổi hành vi tuân thủ: cần biết được tầm quan trọng của việc hiểu rõ các nguyên nhân/rào cản đối với mỗi bệnh nhân theo thời gian; cần tìm ra các nguyên nhân/rào cản cá nhân cho từng bệnh nhân (Năng lực, Cơ hội hay Động lực?) và giải quyết chúng bằng những can thiệp phù hợp