Suy nghiệm và quá trình đưa ra quyết định: những ảnh hưởng đến việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân mắc bệnh chóng mặt là gì?

Thông điệp chính

  • Tâm trí con người được tạo lập nhằm đưa ra quyết định và đi đến kết luận hợp lý nhất bất kể chất lượng của thông tin sẵn có.
  • Quá trình ra quyết định bị ảnh hưởng bởi suy nghiệm, hoặc nhận thức “vắn tắt”, có thể gây tác động đáng kể đến việc tuân thủ khi thông tin liên quan bị hạn chế.
  • Hiểu về suy nghiệm có thể khá cần thiết giúp chúng ta hiểu rõ về tuân thủ điều trị của bệnh nhân và hỗ trợ họ trong việc dùng thuốc được chỉ định.

Như được mô tả trong các bài viết trước đây của tuyển tập này: Hai hệ thống tư duy: tại sao người “lý trí” lại đưa ra lựa chọn “phi lý”, tâm trí có hai hệ thống tư duy: Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Hệ thống 1 là ngay lập tức và tự phát. Hệ thống 2 là có suy xét và ý thức, nhưng đòi hỏi những nỗ lực nhận thức và được sử dụng ít thường xuyên hơn. Hệ thống 1, là phản ứng tức thời, bốc đồng của chúng ta, chịu trách nhiệm cho khoảng 95% tất cả các quyết định chúng ta đưa ra. Nó được điều khiển bởi suy nghiệm, ví dụ: nhận thức vắn tắt, giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh hơn, đỡ vất vả hơn và có thể dẫn đến sai lầm nhiều hơn. Bài viết này mô tả một số suy nghiệm có ý nghĩa quan trọng đối với hành vi của người bệnh,1 bao gồm cả tuân thủ điều trị.

Con người đưa ra quyết định ngay cả khi các thông tin liên quan không có sẵn

Theo những phát hiện mới nhất từ ​​khoa học hành vi, tâm trí con người được “thiết lập” để phản ứng với môi trường nhằm được hưởng thụ cuộc sống tốt nhất mà sự nỗ lực là tối thiểu nhất có thể. Quá trình này được điều hành bởi Hệ thống 1, tự động bật lên một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, thông tin đến từ môi trường chỉ là một phần và có thể không liên quan đến việc đưa ra quyết định hợp lý. Hệ thống 1 tạo ra phản hồi nhanh, rất hữu ích khi chúng ta cần thoát khỏi nguy hiểm ngay lập tức, nhưng trong nhiều trường hợp, thông tin sẵn có không đầy đủ cho vấn đề đang cần giải quyết. Ngay cả trong những tình huống này khi thông tin liên quan bị hạn chế, Hệ thống 1 vẫn tiếp tục đưa ra các kết luận và quyết định sử dụng bộ xử lý lưu trữ tinh thần dựa trên kinh nghiệm và học hỏi trước đó. Các nhận thức vắn tắt hoặc suy nghiệm, ảnh hưởng đáng kể đến thái độ và hành vi,1 bao gồm cả sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Bệnh nhân xử lý thông tin và hành xử theo cách hiểu tường thuật

Daniel Kahneman đã mô tả tâm trí như một “cỗ máy nhảy đến kết luận.”1 Theo Kahneman, sự tiến hoá đã khiến chúng ta phát triển cách hiểu tường thuật về môi trường xung quanh dựa vào dữ liệu có sẵn. Số lượng và chất lượng của dữ liệu không liên quan đến Hệ thống 1, sẽ chọn kết luận nhận thức dễ dàng nhất có thể1 theo tường thuật hiện có. Ví dụ: giả sử một bệnh nhân mắc bệnh Meniere được hỏi câu hỏi sau đây: “Bạn có muốn bác sĩ Brown là bác sĩ của bạn không? Ông học y khoa tại trường đại học tốt nhất nước và đã điều trị thành công hơn 10.000 bệnh nhân trong suốt sự nghiệp của mình.” Câu trả lời nhanh chóng từ Hệ thống 1 của bệnh nhân có thể sẽ là “có”, nhưng nó sẽ chỉ dựa trên một phần nhỏ thông tin. Nếu kinh nghiệm chuyên sâu của bác sĩ Brown chỉ giới hạn trong lĩnh vực ung thư, thì quyết định của bệnh nhân có thể khác biệt, những kết quả của suy nghiệm vốn có đến từ hệ thống 1 dẫn đến quyết định nhanh chóng nhưng thiếu sáng suốt của bệnh nhân.1

Tương tự, hãy xem xét câu hỏi: “Bác sĩ Brown có đối xử tốt với bệnh nhân của mình không?” Phản ứng ban đầu có phần khác biệt so với câu hỏi: “Bác sĩ Brown có đối xử không tốt với bệnh nhân của mình không?” Việc tìm câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi này sẽ yêu cầu quá trình phân tích bởi Hệ thống 2 về thông tin liên quan có thể không có sẵn. Thay vào đó, Hệ thống 1 có xu hướng tìm kiếm dữ liệu sẽ xác nhận niềm tin ngay lập tức. Suy nghiệm này được Kahneman gọi là thiên kiến xác nhận, có thể dẫn đến sự gắn kết tình cảm cường điều, được gọi là hiệu ứng hào quang.1 Ví dụ, một bệnh nhân rất có thể đánh giá kỹ năng lâm sàng của bác sĩ như là kỹ năng giao tiếp, bởi vì bệnh nhân quen nhìn nhận các kỹ năng giao tiếp và có thể không biết gì về các khía cạnh kỹ thuật của y học. Tương tự như vậy, hiệu ứng hào quang có thể có ảnh hưởng rất mạnh đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân, vì mối quan hệ kém với bác sĩ là một trong những nguyên nhân chính của việc không tuân thủ điều trị.2 Do đó, một bệnh nhân thích bác sĩ điều trị có nhiều khả năng tuân thủ hơn một bệnh nhân không thích bác sĩ của mình.

Nắm rõ hành vi tuân thủ điều trị của bệnh nhân đòi hỏi sự hiểu biết về các suy nghiệm nhận thức này

Việc hiểu biết các suy nghiệm hoặc “Quy tắc của Ngón tay cái” có thể cho phép bác sĩ kê đơn hiểu rõ hơn về cách mọi người đưa ra phán xét về việc tuân thủ điều trị của họ và theo cách mà những phán đoán này bị sai lệch. Ngoài sai lệch xác nhận và hiệu ứng hào quang đã được thảo luận ở trên, các hình thức suy nghiệm này bao gồm:

Hiệu ứng mỏ neo

Phương pháp suy nghiệm này là xu hướng đưa ra quyết định nương theo một điểm tham chiếu. Hãy xem xét thí nghiệm sau: ba nhóm người được hỏi họ sẽ sẵn sàng quyên góp bao nhiêu cho một tổ chức từ thiện, thông qua các câu hỏi sau đây:

Bạn sẽ quyên góp bao nhiêu cho một tổ chức từ thiện, ví dụ 5 USD?

Bạn sẽ quyên góp bao nhiêu cho một tổ chức từ thiện? (không đưa ra số tiền gợi ý)

Bạn sẽ quyên góp bao nhiêu cho một tổ chức từ thiện, ví dụ 400 USD?

Kết quả của thí nghiệm này là họ sẵn sàng quyên góp lần lượt là 20 USD khi gợi ý ở mức 5 USD, 64 USD khi không đưa ra gợi ý và 143 USD khi gợi ý đến 400 USD.1 Những người tham gia có thể bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi việc đề cập đến số tiền ban đầu. Suy nghiệm này thường được sử dụng trong đàm phán nhưng có thể dễ dàng áp dụng trong chăm sóc sức khoẻ. Trong một nghiên cứu da liễu gần đây về một loại thuốc được tiêm mỗi tháng một lần, một nhóm bệnh nhân, tức là nhóm can thiệp, đã được yêu cầu xếp hạng mong muốn được tiêm thuốc hàng ngày cho bệnh vảy nến. Việc kết hợp “hàng ngày” được áp dụng như một mỏ neo, vì sau đó bệnh nhân được hỏi liệu họ có sẵn sàng tiêm hàng tháng hay không. Kết quả cho thấy, những bệnh nhân bị mắc neo với khuyến nghị tiêm hàng ngày có khả năng sẵn sàng bắt đầu điều trị bằng tiêm hàng tháng cao hơn gấp ba lần so với nhóm đối chứng không được mắc neo.3 Lý do này có thể được áp dụng cho các phương pháp điều trị bệnh liên quan đến chóng mặt (ví dụ: bệnh Meniere) để cải thiện tuân thủ điều trị; vì bệnh nhân có thể tuân thủ tốt hơn nếu họ được thông báo về thực hành điều trị tiêu chuẩn (ví dụ: được cho điểm neo tham chiếu).

Suy nghiệm sẵn có (nổi trội)

Chúng tôi đánh giá xác suất của một kết quả không dựa trên sự hiểu biết cơ bản về xác suất thực tế, mà là theo mức độ dễ hình dung ra một kết quả nhất định. Ví dụ, một người gần đây đã nhìn thấy hình ảnh của trận động đất trong phim có thể suy diễn thái quá khả năng xảy ra trận động đất so với người chưa từng nhìn thấy những hình ảnh đó. Suy nghiệm này ngụ ý rằng người đã nhìn thấy trận động đất trên màn hình sẽ quan tâm hơn về việc mua bảo hiểm động đất. Tuy nhiên, nó cũng hàm ý rằng một khi ký ức về trận động đất biến mất, tác động lên hành vi mua hàng của họ cũng sẽ biến mất.1 Nguyên tắc tương tự có thể được áp dụng trong tuân thủ điều trị bệnh liên quan đến chóng mặt: một bệnh nhân gần đây được chẩn đoán có triệu chứng chóng mặt có khả năng tuân thủ điều trị tốt hơn, nhưng sự tuân thủ điều trị của anh ta sẽ giảm dần theo thời gian khi các triệu chứng giảm dần. Một nghiên cứu gần đây trên bệnh nhân nhiễm HIV cho thấy phần trăm bệnh nhân có tỷ lệ tuân thủ trung bình từ 90% trở lên tăng từ 31,1 đến 48,3% đối với những người nhận được phản hồi tích cực (thông tin nổi bật) về thuốc điều trị HIV từ các bệnh nhân khác.4

Tính đại diện

Suy nghiệm này cũng góp phần vào khả năng nhận thức của chúng ta về một sự kiện và nó thường thường liên quan với các khuôn mẫu mà con người có thể định kiến về người khác. Ví dụ, hãy xem xét một người có bằng thạc sĩ nhân chủng học đam mê bảo vệ môi trường, một nhà nữ quyền tận tuỵ và theo chính trị cánh tả. Nghề nào trong hai nghề này là phù hợp cho người phụ nữ này: làm việc trong một tổ chức từ thiện môi trường hoặc kế toán? Xu hướng đại diện sẽ khiến bạn tưởng tượng tổ chức từ thiện môi trường là lựa chọn đầu tiên, vì đây là cách Hệ thống 1 tưởng tượng ra cô ấy. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều kế toán hơn nhân viên của các tổ chức từ thiện môi trường, bất kể ý kiến của họ là gì đi chăng nữa. Toán đơn giản chỉ ra rằng nhiều khả năng người này là một kế toán viên. Tương tự, mọi người có xu hướng phát triển ý tưởng về cách hành xử của con người theo một số ngành nghề nhất định. Ví dụ một người nông dân có thể được coi là chăm chỉ, thích làm việc ngoài trời và bền bỉ. Mặt khác, một thủ thư có thể được xem là kiệm lời, có tổ chức và kín đáo.5

Suy nghiệm này có thể rất hữu ích cho hiểu biết của chúng ta về sự tuân thủ. Ví dụ, trong một nghiên cứu quản lý đau của bệnh viêm khớp, các nhà nghiên cứu đã cung cấp thông tin đối lập cho bệnh nhân về việc nên sử dụng thuốc viêm khớp trong bữa ăn hay không. Nhiều bệnh nhân đã chọn dùng thuốc với thức ăn vì việc uống thuốc điều trị viêm khớp cùng với bữa ăn là thực hành chuẩn.6

Nỗi lo mất mát/sở hữu

Mọi người thường cảm thấy tồi tệ khi mất đi thứ gì đó hơn là cảm giác hạnh phúc khi họ kiếm được thứ tương tự.1 Ví dụ, mất 100 USD thường gây đau đớn mức độ lớn hơn nhiều so với mức độ niềm vui khi được tặng 100 USD. Richar Thaler đưa ra ví dụ về một nhóm sinh viên được chia thành hai nhóm nhỏ. Một nhóm nhỏ nhận được một chiếc cốc với phù hiệu đại học và nhóm còn lại thì không. Sau đó, lần lượt từng sinh viên được hỏi về mức giá nào họ sẽ xem xét mua (hoặc bán) chiếc cốc. Những người bán cốc định giá gấp đôi người mua. Làm thế nào suy nghiệm này có thể được khai thác trong trường hợp tuân thủ điều trị? Một chuyên gia chăm sóc sức khỏe có thể nhấn mạnh rằng mỗi khi dùng thuốc, hoặc bệnh nhân có hành vi tích cực, chẳng hạn như tập thể dục, họ có được sức khỏe và nếu từ bỏ những hành vi như vậy họ sẽ mất đi những tiến bộ đã đạt được.

Sự lạc quan/Sự lạc quan thái quá

Mọi người có xu hướng nghĩ rằng khả năng đánh giá của họ về một tình huống hoặc hành động là tốt hơn những người khác; quy luật nói chung, hầu hết mọi người tin rằng họ ở trên mức trung bình.1 Trong cuốn sách của mình, Nudge, Richard Thaler đưa ra ví dụ về những người bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ được hỏi hai câu hỏi: 1. “Tỷ lệ thành công cho mô hình kinh doanh tương tự như của bạn là bao nhiêu?”, và 2. “Cơ hội thành công của bạn là bao nhiêu?”. Trung bình, mọi người trả lời 50% cho câu hỏi đầu tiên và 90% khi được hỏi về cơ hội thành công của chính họ. Thành kiến tương tự có thể là nguyên nhân cho những quan niệm mà các bác sĩ có thể lầm tưởng khi nói đến sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân: trong khi bác sĩ có thể thừa nhận rằng tuân thủ điều trị là một vấn đề khó, họ có xu hướng tự tin thái quá rằng bệnh nhân của họ thuộc trong nhóm tuân thủ điều trị.7 Một nghiên cứu gần đây cho thấy những bệnh nhân nhiễm HIV lạc quan thái quá, tức là những người tin rằng họ sẽ làm tốt hơn những bệnh nhân khác trong phòng khám, có khoảng ít hơn 10% có khả năng đạt được tỷ lệ tuân thủ mong muốn so với những bệnh nhân khác.4 Các bác sĩ nên nhớ rằng không nên luôn luôn tin tưởng độ chính xác khi bệnh nhân tự đánh giá tuân thủ điều trị của họ.

Suy nghiệm thúc đẩy các quyết định và hành vi, bao gồm cả thái độ và sự tuân thủ các phương pháp điều trị cho các bệnh mạn tính như bệnh liên quan đến chóng mặt. Sự hiểu biết thấu đáo về các hình thức suy nghiệm này là thông tin hữu ích cho các bác sĩ, chính quyền bệnh viện và nhân viên y tế nhằm cải thiện sự tuân thủ điều trị.1 Các bài viết sau sẽ thảo luận về các lý thuyết hành vi khác và các can thiệp tương ứng để cải thiện sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Tài liệu tham khảo

1. Charitini Stavropoulou (2011). “Non-adherence to medication and doctor–patient relationship: Evidence from a European survey,” Patient Education and Counseling, (83):1, pp. 7–13. https://doi.org/10.1016/j.pec.2010.04.039

2. Elias Oussedik, Leah A. Cardwell, & Nupur U. Patel (2017). “An anchoring-based intervention to increase patient willingness to use injectable medication in psoriasis,” JAMA Dermatology, (153):9, pp. 932–934. https://doi:10.1001/jamadermatol.2017.1271

3. Sebastian Linnemayr & Chad Stecher (2015). “Behavioral economics matters for HIV research: The impact of behavioral biases on adherence to antiretrovirals (ARVs),” AIDS & Behavior, (19):11, pp. 2069–2075. https://doi: 10.1007/s10461-015-1076-0

4. Kendra Cherry (2019). “Representativeness heuristic and our judgments: Representativeness heuristic affects judgments but can lead to errors,” VeryWell Mind. https://www.verywellmind.com/representativeness-heuristic-2795805

5. Emily Elstad, Delesha M. Carpenter, Robert F. Devellis, & Susan J. Blalock (2012). “Patient decision making in the face of conflicting medication information, International Journal of Qualitative Studies on Health and Well-being, (7):1, Article 18523. https://doi.org/10.3402/qhw.v7i0.18523

6. M. Robin DiMatteo, Kelly B. Haskard-Zolnierek, & Leslie R. Martin (2011). “Improving patient adherence: A three-factor model to guide practice,” Health Psychology Review, (6):1, pp. 74–91. https://doi.org/10.1080/17437199.2010.537592