Các thử thách trong việc tuân thủ điều trị bệnh tim mạch
- Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới và có ảnh hưởng khác nhau tới các nước có mức thu nhập thấp và trung bình
- Khoảng 40-50% bệnh nhân mắc bệnh tim mạch tuân thủ kém hoặc thậm chí không tuân thủ chế độ điều trị. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cả cộng đồng
- Để đảm bảo tính tuân thủ, cả bác sĩ và bệnh nhân đều phải có hiểu biết và hợp tác cùng nhau
Các bệnh về tim mạch ảnh hưởng cả về mặt xã hội và kinh tế
Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, ước tính có 17,9 triệu người chết mỗi năm,1 trong đó khoảng 75-80% số ca tử vong xảy ra ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình.2 Ví dụ, ở Nga, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới từ 49 tuổi trở lên.3 Ngoài ra, 37% trường hợp chết sớm (dưới 70 tuổi) là do bệnh tim mạch.1 Từ năm 2011 đến 2015, ước tính tổng chi phí cho bệnh tim mạch ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình là 3,7 nghìn tỷ đô la, tương đương với khoảng một nửa chi phí cho các bệnh không lây nhiễm và 2% GDP toàn cầu.2
Có nhiều cách điều trị bệnh tim mạch, bao gồm cả phương pháp dự phòng tiên phát và thứ phát; cả hai phương pháp này đều nhằm mục đích giúp bệnh nhân giảm thiểu biến chứng bệnh. Tuy nhiên, hiệu quả của các phương pháp điều trị này còn phụ thuộc vào việc tuân thủ phác đồ điều trị.
Các phương pháp điều trị chính trong phương pháp dự phòng tiên phát và thứ phát đối với bệnh tim mạch và phục hồi sau bệnh tim mạch
Con người ngày càng hiểu rõ hơn về việc lối sống có thể ảnh hưởng đến tiến triển hoặc kết quả bệnh ra sao, nhờ đó, các phương pháp điều trị bệnh tim mạch ngày càng phát triển qua từng năm. Mặc dù các loại thuốc điều trị ngày càng hiệu quả, nhưng kết quả điều trị vẫn chưa có sự cải thiện tương xứng do nhiều bệnh nhân không dùng thuốc theo đúng đơn kê. Từ thập niên 50 đến nay, hơn 100 loại thuốc huyết áp có tác dụng điều trị bệnh tim mạch đã được nghiên cứu phát triển. Các nhóm thuốc khác, như statin và các liệu pháp điều trị chống tiểu cầu (Bảng 1), cũng được phát triển. Tuy nhiên, việc không tuân thủ phương pháp điều trị có thể làm giảm mức độ cải thiện lâm sàng cũng như kết quả điều trị, khiến người bệnh chịu áp lực khi phải thử các loại thuốc khác, điều này có thể không mang lại hiệu quả chữa bệnh như mong muốn.
Thuốc điều trị tăng huyết áp | Mức độ tuân thủ khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp càng cao thì tỷ lệ tử vong càng giảm, bất kể nguyên nhân bệnh là gì. Điều này đúng với cả những bệnh nhân có tình trạng lâm sàng tốt và kém.4 |
Statin | 1/8 trong số 2,2 triệu bệnh nhân tại Hoa Kỳ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch không tuân thủ uống thuốc statin bởi vì chi phí đắt đỏ. 1,5 triệu bệnh nhân không uống thuốc, 1,6 triệu bệnh nhân uống ít hơn liều lượng được kê đơn và 1,9 triệu bệnh nhân cố ý trì hoãn uống thuốc.5 Việc không tuân thủ uống thuốc statin làm tăng nguy cơ nhập viện do bệnh mạch vành tới 19%, cũng như khiến chi phí nhập viện tăng 1060 CAD cho mỗi bệnh nhân trong 3 năm.6 |
Dùng nhiều thuốc điều trị bệnh tim mạch | Một thử nghiệm nhãn mở có đối chứng trên 513 bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ở mức nguy cơ cao cho thấy việc sử dụng một viên nén liều cố định có chứa aspirin, statin và chất hạ huyết áp giúp tăng mức độ tuân thủ sử dụng tất cả các loại thuốc được khuyến cáo. Các yếu tố nguy cơ lâm sàng được cải thiện nhưng không đáng kể.7 |
Đối với bệnh tim mạch, mỗi nhóm thuốc có tỷ lệ tuân thủ khác nhau và phụ thuộc vào việc bệnh nhân được chỉ định điều trị theo phương pháp can thiệp tiên phát hay thứ phát. Tỷ lệ tuân thủ dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch trên toàn cầu là 40-60%, nghĩa là khoảng một nửa số thuốc kê đơn không được người bệnh sử dụng,8 tỷ lệ này ở các nước đang phát triển còn thấp hơn nữa.9 Ngay cả những trường hợp bệnh tim cấp tính, mức độ tuân thủ điều trị cũng không khá hơn là mấy. Trong một nghiên cứu trên 4500 bệnh nhân hậu nhồi máu cơ tim, 18% bệnh nhân chưa từng bổ sung thêm thuốc điều trị tim mạch trong vòng 4 tháng sau khi xuất viện (đây là một ví dụ về việc không tuân thủ).10 Trong một nhóm khác với hơn 22.000 bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp, 60% bệnh nhân đã ngừng dùng thuốc statin trong vòng 2 năm sau khi nhập viện (đây là ví dụ về việc không kiên trì dùng thuốc).10 Như vậy, tình trạng không tuân thủ điều trị bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn.
Tuân thủ dùng thuốc được định nghĩa là “mức độ hành vi của người sử dụng tương ứng với các khuyến nghị đã được thống nhất từ các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ”
Việc không tuân thủ điều trị ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng, sức khỏe và kinh tế
Nếu không tuân thủ điều trị bệnh tim mạch, bạn sẽ không thể kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp và tăng nồng độ lipid trong máu, từ đó khiến kết quả điều trị lâm sàng kém đi.10 Việc không tuân thủ các phương pháp điều trị can thiệp có thể gây ảnh hưởng bất lợi không chỉ đối với người bệnh mà còn ảnh hưởng nhiều đến hệ thống y tế và nền kinh tế.11 Các nước có mức thu nhập thấp và trung bình chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau. Ở châu Phi cận Sahara, một nửa số ca tử vong do tim mạch xảy ra ở nam giới trong độ tuổi 30 – 69, sớm hơn ít nhất 10 năm so với các nước có mức thu nhập cao.2 Gánh nặng lâm sàng do không tuân thủ điều trị được thể hiện rõ ràng hơn ở các quốc gia có thu nhập cao như Hoa Kỳ với 83,6 triệu bệnh nhân mắc bệnh tim mạch. Trong đó, 735.000 bệnh nhân sẽ gặp các biến cố tim mạch, ví dụ nhồi máu cơ tim và 210.000 bệnh nhân sẽ gặp biến chứng tái phát sau khi hồi phục.12 Một nghiên cứu cho thấy, trong số những bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim hoặc bị rối loạn xơ vữa động mạch, những người tuân thủ nghiêm ngặt (≤ 80%) liệu pháp điều trị (statin hoặc thuốc ức chế men chuyển) có tỷ lệ gặp biến cố tim mạch nghiêm trọng thấp hơn đáng kể so với những người không tuân thủ (< 40%).12 Nghiên cứu quan sát của Roebuck và cộng sự cho thấy việc tăng mức độ tuân thủ điều trị giúp giảm mạnh số ngày nằm viện hằng năm để điều trị rối loạn lipid máu.13
Điều này tạo ra áp lực không nhỏ đến hệ thống y tế, ước tính có khoảng 200.000 trường hợp tử vong sớm (đáng lẽ không xảy ra) và Liên minh châu Âu đã tiêu tốn 125 tỷ EUR chi phí phát sinh cho các dịch vụ y tế không cần thiết.8 Đây là tình hình phổ biến trên toàn cầu, trong đó, Hoa Kỳ phải chi 105 tỷ USD mỗi năm cho các trường hợp nhập viện có thể phòng tránh được.8 Ngoài ra, chi phí chăm sóc bệnh nhân ngoại trú và thăm khám tại phòng cấp cứu tăng lên.8 Không những thế, 80% số ca tử vong do bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có mức thu nhập trung bình – thấp với tổng thiệt hại kinh tế do bệnh tim mạch là 3,7 nghìn tỷ USD.2 Những chi phí vượt mức này tạo ra gánh nặng kinh tế rất lớn ở các nước có mức thu nhập thấp đến trung bình, ví dụ như 20 tỷ USD ở Brazil và 1 tỷ USD ở Serbia, chi phí điều trị bệnh tim mạch vượt xa chi phí y tế bình quân đầu người.2 Tình trạng này càng thêm nghiêm trọng do không khám sức khỏe tổng quát định kỳ, nghĩa là bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn cuối, từ đó làm tăng tỷ lệ tử vong ở độ tuổi thấp hơn.1 Vì vậy, cần khuyến khích người bệnh tuân thủ điều trị các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch. Khi tuân thủ điều trị và trao đổi kỹ càng hơn với bác sĩ, cũng như nỗ lực đạt được mục tiêu, người bệnh có thể giảm đáng kể các chi phí không cần thiết và có được những tác động tích cực lâu dài như ngăn ngừa các biến cố tim mạch tái phát và giảm nguy cơ nhập viện.8
Tài liệu tham khảo:
1. World Health Organization (WHO). Cardiovascular Diseases (CVDs) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cardiovascular-diseases-(cvds) [Accessed 2 December 2020].
2. Gheorge et al. The economic burden of cardiovascular disease and hypertension in low- and middle-income countries: a systematic review. BMC public health 2018: 18-975
3. GBD Russia Collaborators. The burden of disease in Russia from 1980-2016: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2016. Lancet 2018;392:1138-46
4. Catarutti et al. Antihypertensive treatment in elderly frail patients: evidence from a large Italian database 2020 Hypertension; 76:00-00
5. Khera R et al. Cost-related medication nonadherence in adults with atherosclerotic cardiovascular disease in the United States, 2013-2017. Circulation; 2019;140:00-00
6. Bitton et al. The impact of medication adherence on coronary artery disease costs and outcomes: A systematic review Am J. Med 2013; 126: 357e.7- 357e.26
7. Selak V et al. Effect of fixed dose combination treatment on adherence and risk factor control among patients at high risk of cardiovascular disease: randomised controlled trial in primary care. BMJ 2014;348:g3318
8. Organisation for Economic Co-operation and Development, 2018. http://www.oecdlibrary.org/docserver/8178962c-en.pdf OECD Health Working Paper No 105: Investing in medication adherence improves health outcomes and health system efficiency: Adherence to medicines for diabetes, hypertension and hyperlipidemia.
9. Hamine S et al. Impact of mHealth Chronic Disease Management on Treatment Adherence and Patient Outcomes: A Systematic Review. J Med Internet Res 2015;17(2):e52
10. Kronish, Ian M, and Siqin Ye. “Adherence to cardiovascular medications: lessons learned and future directions.” Progress in cardiovascular diseases vol. 55,6 (2013): 590-600. doi:10.1016/j.pcad.2013.02.001
11. Cutler RL et al. Economic impact of medication non-adherence by disease groups: a systematic review. BMJ Open 2018;8:e016982.
12. Bansilal et al. Assessing the impact of medication adherence on long term cardiovascular outcomes. th J Am Cardio 2016 ;68 ;8 : 0735-1097
13. Roebuck C et al. Medication Adherence leads to lower health care use and costs despite increased health care spending. Health affairs 2011;30;1:91-99