“Tư duy nhanh và chậm” có thể lý giải điều gì về sự tuân thủ điều trị và nhận thức về mãn kinh của phụ nữ?

Có thể bạn chưa biết?

Bệnh nhân có thể viện dẫn nhiều lý do để giải thích cho việc không tuân thủ điều trị của họ. Thông thường, những giải thích này dựa trên một số kiểu phân tích về chi phí – lợi ích. Khoa học hành vi có thể làm sáng tỏ phương thức đưa ra quyết định tuân thủ điều trị và cách mà nhân viên y tế có thể đưa ra lựa chọn tốt hơn cho người bệnh.

Người “lý trí” và người “phi lý trí” sẽ có thái độ khác nhau về việc tuân thủ điều trị

Cho đến những năm 1960, hầu hết các nhà khoa học xã hội đã làm việc dựa trên lý tính. Họ cho rằng khi nhận cùng một thông tin, mọi người sẽ hành động theo cùng một cách. Trong trường hợp tuân thủ điều trị, người ta hàm ý rằng nếu bác sĩ kê đơn một loại thuốc giúp cứu sống người bệnh, bất kỳ người lý trí nào hay còn gọi là “econ” sẽ tuân thủ một cách nghiêm ngặt.1

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, trung bình chỉ khoảng 50% người bệnh mạn tính tuân thủ điều trị.2,8 Những năm 1970, bản chất phi lý của quá trình đưa ra quyết định bắt đầu được nghiên cứu và phân loại chi tiết. Trên thực tế, với cùng một thông tin, mỗi người sẽ có hành động khác nhau, theo quan điểm và cảm tính của họ. Những quyết định được đưa ra có thể bị người khác coi như hành vi phi lý. Trong những trường hợp như vậy, người lý trí có thể hành động như những con người phi lý. Con người có xu hướng tin rằng hành vi của họ là hợp lý, thậm chí còn hợp lý hoá các hành vi có nguy cơ gây hại cho bản thân, chẳng hạn như không tuân thủ điều trị.

Trong những năm gần đây, cả tâm lý học và khoa học hành vi đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giải thích cách con người đưa ra quyết định. Đáng chú ý trong số những tiến bộ này là công trình đạt giải thưởng Nobel năm 2002 của Daniel Kahneman cùng kết hợp với Amos Tversky, người đã giải thích rằng tâm trí con người có hai hệ thống tư duy: hệ thống 1 và hệ thống 2. Hệ thống 1 thường diễn ra nhanh chóng và không có chủ đích, trong khi hệ thống 2 cần nhiều thời gian hơn và có chủ đích.4 Kết hợp lại, hai hệ thống này chi phối thái độ và hành vi của mọi người.

Hai hệ thống tư duy: nhanh và chậm

Trong cuốn sách của mình “Tư duy nhanh và chậm”, Kehneman giải thích lý thuyết của mình về cách mọi người đưa ra quyết định bằng cách sử dụng hai khái niệm hư cấu: hệ thống 1 và 2. Các hệ thống này có bản chất riêng biệt và mỗi hệ thống giữ một vai trò riêng trong quá trình ra quyết định:

  • Hệ thống 1 là tức thì và tự phát.3,4,5 Nó giúp chúng ta đánh giá mà không cần suy nghĩ nhiều và hệ thống này chịu trách nhiệm khi cần đưa ra các quyết định nhanh chóng. Hệ thống 1 cho phép mọi người thực hiện các hành động mà không cần nỗ lực suy nghĩ, chẳng hạn như: xác định nguồn gốc tiếng ồn, phát hiện sự chống đối trong giọng nói hoặc trên gương mặt, xử lý các tình huống dễ dàng khi lái xe hoặc thậm chí đưa ra quyết định trực quan trong các tình huống phức tạp với người được đào tạo bài bản. Hệ thống tư duy nhanh này chịu trách nhiệm cho khoảng 95% tất cả các quyết định của con người trong suốt quãng đời của họ.5
  • Hệ thống 2 đòi hỏi nỗ lực suy nghĩ, chú ý và tập trung. Hệ thống 2 có thể được xem như một cá thể có khả năng tự nhận thức và có lý trí.6 Nó giúp mọi người sắp xếp thông tin phức tạp rồi dựa trên đó để phản ánh, đưa ra lựa chọn hợp lý cũng như xử lý các tình huống ít gặp.13 Kahneman đã mô tả hệ thống 2 là “lười biếng” bởi vì trong hầu hết các trường hợp, nó không ảnh hưởng đến các quyết định đã được hệ thống 1 đề xuất.7 Nói cách khác, mọi người có xu hướng phản ứng một cách tự động trong hầu hết các tình huống thay vì sử dụng hệ thống 2. Ngay cả khi họ sử dụng hệ thống 2, hệ thống 2 có thể vẫn ủng hộ các kết luận từ hệ thống 1. Điều quan trọng cần lưu ý là “sự lười biếng” của hệ thống 2 không phụ thuộc khả năng nhận thức.

Hệ thống 1 và 2 tương tác qua lại khá thành công. Hệ thống 2 chịu trách nhiệm học tập, đây là một quá trình chậm, đòi hỏi nhiều nỗ lực suy nghĩ. Tuy nhiên, một khi hệ thống 2 lưu trữ các kết luận chung trong bộ nhớ của một người thì những kết luận đó sẽ trở thành một phần sở hữu của hệ thống 1. Kahneman đưa ra ví dụ về một đại kiện tướng cờ vua, người đã chơi hàng chục ngàn ván cờ và có thói quen phân tích các nước cờ.4 Đối với người chơi như vậy, tìm một nước cờ tốt trong một ván cờ có thể dễ dàng và đã nằm sẵn trong hệ thống 1 của họ. Ngược lại, người chơi ít kinh nghiệm hơn sẽ phải sử dụng hệ thống 2 để đạt cùng một mục tiêu. Một ví dụ khác, một người sử dụng hệ thống đo lường Anh có thể dùng hệ thống 1 để dễ dàng hình dung chiều dài 5 feet trong khi một người đến từ nơi sử dụng hệ thống mét thì cần dùng hệ thống 2 để chuyển đổi từ feet sang mét trước khi hệ thống 1 của họ có thể thực hiện phép đo thực tế.

Trong phạm vi khả dụng, hệ thống 2 lưu trữ thông tin đã học được thông qua nỗ lực áp dụng, hệ thống 1 sẽ sử dụng chúng một cách tự nhiên để tương tác với các thông tin mới đến từ môi trường xung quanh.

Hiểu về hệ thống tư duy 1 và2 giúp giải thích tại sao bệnh nhân không tuân thủ điều trị

Trong điều trị các bệnh mạn tính, khoảng 50% bệnh nhân không sử dụng thuốc theo chỉ định.8 Trong một nghiên cứu đoàn hệ gồm hơn 22,000 bệnh nhân sau hội chứng vành cấp, 60% đã ngừng điều trị statin trong vòng 2 năm sau khi nhập viện.9 Theo báo cáo từ hội Dược sĩ Cộng đồng Hoa Kỳ, bệnh nhân viện nhiều lý do để không tuân thủ điều trị: hay quên, tác dụng phụ, hết thuốc, đi du lịch.11 Mặc dù những điều này nghe có vẻ hợp lý nhưng đây thường là các dấu hiệu điển hình của phản ứng từ hệ thống 1. Hệ thống 1 diễn ra liên tục và không có chủ đích trong phân tích chi phí – lợi ích. Trong trường hợp này, nỗ lực cần thiết để dùng thuốc (tức là ghi nhớ uống thuốc, xử lý các tác dụng phụ…) được đem ra so sánh với các lợi ích điều trị (thường không rõ ràng và cần nhiều thời gian để được nhận thấy). Điều này đặc biệt đúng nếu các triệu chứng bệnh không biểu hiện rõ rệt, thường thấy ở các bệnh mạn tính không có triệu chứng trong thời gian dài.

Phản ứng của hệ thống 2 như một con người biết suy xét dựa vào lý trí về những nguy hiểm của việc không tuân thủ điều trị bệnh mạn tính. Tuy nhiên, bởi vì hệ thống 2 được cho là “lười biếng” và yêu cầu nỗ lực để thực hiện, những người phi lý trí có xu hướng sử dụng sự vắn tắt dưới dạng suy nghiệm theo hệ thống 1 – cho phép đưa ra quyết định nhanh chóng với sự nỗ lực ít nhất có thể. Những suy nghiệm bao gồm các quyết định nhanh, lựa chọn dựa trên dữ liệu không đầy đủ và chưa đánh giá được mức độ rủi ro. Các quá trình đưa ra quyết định này có thể mang lại lựa chọn rất tồi tệ, mà minh họa cụ thể nhất chính là quyết định không tuân thủ điều trị của bệnh nhân.

Bệnh nhân xử lý thông tin và hành xử theo cách hiểu tường thuật

Kahneman đã mô tả tâm trí như “một cỗ máy nhảy đến kết luận”. Theo Kahneman, sự tiến hoá đã khiến chúng phát triển cách hiểu “tường thuật” về môi trường xung quanh dựa trên dữ liệu có sẵn. Số lượng và chất lượng của dữ liệu không liên quan đến hệ thống 1, tạo ra kết luận nhận thức dễ dàng nhất có thể theo tường thuật hiện có. Ví dụ, giả sử một bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh được hỏi: “Bạn có muốn bác sĩ Brown là bác sĩ điều trị cho bạn không? Ông ấy học y khoa tại trường đại học tốt nhất nước và đã điều trị thành công cho hơn 10,000 bệnh nhân trong suốt sự nghiệp của mình.”. Câu trả lời nhanh chóng từ hệ thống 1 của bệnh nhân có thể là “có” nhưng nó chỉ dựa trên một phần nhỏ thông tin. Nếu kinh nghiệm dày dặn của bác sĩ chỉ giới hạn trong lĩnh vực ung thư thì câu trả lời của bệnh nhân có thể khác. Tuy nhiên, suy nghiệm vốn có từ hệ thống 1 đã dẫn đến quyết định nhanh chóng nhưng thiếu sáng suốt của bệnh nhân.

Hãy xem xét câu hỏi: “Bác sĩ Brown có đối xử tốt với bệnh nhân của mình không?”. Phản ứng ban đầu với câu hỏi này sẽ khác đi nếu thay đổi cách diễn đạt thành: “Bác sĩ Brown có đối xử tệ với bệnh nhân của mình không?”. Việc xác định câu trả lời chính xác nhất cho những câu hỏi này sẽ yêu cầu sự phân tích về các thông tin liên quan ở hệ thống 2 và những thông tin này có thể không có sẵn. Thay vào đó, hệ thống 1 có xu hướng tìm kiếm thông tin có sẵn sẽ xác nhận niềm tin ngay lập tức. Kahneman xác định suy nghiệm này là thiên kiến xác nhận,10 có thể dẫn đến sự gắn kết tình cảm cường điệu. Nó được gọi là hiệu ứng hào quang (halo effect). Ví dụ, bệnh nhân có xu hướng xem kỹ năng lâm sàng của bác sĩ như một chức năng trong kỹ năng giao tiếp. Điều này là do bệnh nhân có thể đánh giá được kỹ năng giao tiếp tốt nhưng có thể không biết gì về thực hành y học (nghĩa là nếu ấn tượng của bệnh nhân về bác sĩ là người có kỹ năng giao tiếp tốt thì họ có xu hướng dùng thông tin sẵn có này để đánh giá kỹ năng lâm sàng của bác sĩ cũng tốt tương tự dù họ không biết gì về thực hành y khoa). Hiệu ứng hào quang này cũng có thể có tác động đáng kể đến tuân thủ điều trị. Trên thực tế, mối quan hệ không tốt với bác sĩ là một trong những nguyên nhân chính của việc không tuân thủ. Do đó, bệnh nhân thích bác sĩ điều trị có nhiều khả năng tuân thủ điều trị hơn so với những bệnh nhân không thích bác sĩ của mình.12

Áp dụng hệ thống 1 và 2 để lý giải hành vi của phụ nữ mãn kinh

Thời kỳ mãn kinh là giai đoạn đặc biệt quan trọng trong cuộc đời của người phụ nữ, cũng chính là giai đoạn khó khăn để chấp nhận. Điều này đặc biệt đúng khi các triệu chứng mới bắt đầu xuất hiện, não bộ chưa quen với chúng và hệ thống 2 không có đủ thông tin chi tiết về cách ứng phó với những thay đổi này. Hơn nữa, do những cấm kỵ xung quanh việc thảo luận về mãn kinh, người phụ nữ có thể cảm thấy bị xã hội (bao gồm: bạn bè, gia đình và đồng nghiệp) bỏ mặc trong thời kỳ tiền mãn kinh, trong khi đây là giai đoạn cô ấy cần được hỗ trợ nhiều nhất. Khi các triệu chứng xuất hiện, hệ thống 1 có thể ảnh hưởng đến quyết định “trốn” khỏi xã hội, làm tăng cảm giác cô đơn. Những quyết định như vậy có thể dẫn đến lo lắng và trầm cảm, cũng như góp phần vào việc không tuân thủ điều trị. Chúng ta có những hệ thống đào tạo có thể dẫn dắt quá trình đưa ra quyết định của con người nhằm giúp phá bỏ rào cản trong việc thảo luận về mãn kinh. Nhưng làm thế nào để có thể đạt được điều đó? Bước đầu tiên là cần hiểu được các quy trình ra quyết định cơ bản mà con người sử dụng, cũng như những suy nghiệm điều hướng họ.

Cân nhắc đến quá trình đưa ra quyết định này là một phương pháp triển vọng giúp mọi người điểu chỉnh hành vi để có sức khoẻ tốt hơn, bao gồm cả việc tuân thủ điều trị. Hiểu được quá trình ra quyết định của con người và suy nghiệm ưu thế thúc đẩy quá trình này đã được chứng minh đem lại hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như kinh tế, tiếp thị, và khái niệm này đang tạo nên sức hút cho các nghiên cứu trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.

Tài liệu tham khảo

  1. Kahneman D, Bernoullis Errors. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:412-425. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  2. Luga AO & McGuire MJ. Adherence and Health care Costs. Risk Manag Healthc Policy. 2014;70:35-44.
  3. Kahneman D. Reversals. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:544-559. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  4. Kahneman D. Introduction. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:12-26. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  5. Jordanov P. Thinking fast? Slow down. Neurofied blog. December 2018. Accessed August 20, 2020. https://neurofied.com/thinking-fast-slow-down/.
  6. Kahneman D. Norms, Surprises, Causes. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:115-121. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  7. Kahneman D. Cognitive ease. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:91-109. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  8. Brown MT, Bussell JK. Mayo Clin Proc. 2011;86(4):304-314.
  9. Kronish IM, Ye S. Prog Cardiovasc Dis. 2013;55(6):590-600.
  10. Kahneman D. A Machine Jumping to Conclusions. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:122-137. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.
  11. National Community Pharmacists Association. Medication Adherence in America: A National Report Card. https://www.ncpa.co/adherence/AdherenceReportCard_Full/pdf. Accessed June 29, 2020.
  12. Martin LR, et al. Ther Clin Risk Manag. 2005;1(3):189-199.
  13. Kahneman D. The characters of the story. In thinking, Fast and Slow. New York Farrar, Straus and Giroux. October 25, 2011:28-45. https://libro.eb20.net/Reader/rdr.aspx?b=714626. Accessed September 16, 2020.