Kích hoạt bệnh nhân để cải thiện tuân thủ điều trị và kết cục điều trị trên phụ nữ mãn kinh

Có thể bạn chưa biết?

Các công cụ khảo sát chuẩn rất hữu ích để xác định hành vi sức khoẻ của bệnh nhân

Xu hướng dân số và sức khoẻ kéo theo nhu cầu cao về các dịch vụ sức khoẻ cho phụ nữ mãn kinh và sau mãn kinh. Tương tự các bệnh lý mạn tính, khả năng tự quản lý bản thân của bệnh nhân trong giai đoạn tiền mãn kinh, bao gồm sự tuân thủ điều trị, có thể là yếu tố quyết định chính đến tiên lượng điều trị.1

Nhiều phương pháp định lượng chuẩn đã được thiết lập với mục đích xác định hành vi sức khoẻ nhằm hỗ trợ bệnh nhân tự quản lý bệnh mạn tính của họ. Mặc dù tính ứng dụng của những phương pháp này trong quản lý mãn kinh vẫn chưa được nghiên cứu sâu trong y văn nhưng do có sự tương đồng giữa tình trạng mãn kinh và các bệnh lý mạn tính về mức độ, thời gian và sự thay đổi triệu chứng, những công cụ này có thể hữu ích cho phụ nữ đang trong giai đoạn mãn kinh. Các phương pháp dựa trên khảo sát và bộ câu hỏi có thể được thực hiện dễ dàng tại cơ sở y tế, giúp chuyên gia y tế thấu hiểu hành vi, niềm tin và những rào cản trong việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân.2 Các chuyên gia y tế có thể sử dụng thông tin từ những công cụ này để cung cấp các mục tiêu điều trị và cá nhân hoá kế hoạch chăm sóc cho từng bệnh nhân. Đo lường Kích hoạt Bệnh nhân (Patient Activation Measure – PAM), 4 Bộ câu hỏi Tuân thủ Điều trị (Medication Adherence Questionaire – MAQ) và Bộ câu hỏi Điều trị Tóm tắt (Brief Medication Questionaire – BMQ) đều là những công cụ khảo sát hữu ích.3

PAM phản ánh khả năng quản lý các suy nghiệm sức khoẻ của bệnh nhân

PAM phản ánh “kiến thức, kĩ năng và sự tự tin của mỗi cá nhân trong việc quản lý sức khoẻ và chăm sóc bản thân”, là phương thức chỉ dẫn tin cậy nhất về năng lực và sự sẵn sàng của bệnh nhân trong việc tự quản lý và chăm sóc sức khoẻ.4

Bộ câu hỏi PAM phân loại bệnh nhân vào một trong bốn “giai đoạn kích hoạt” theo thứ tự tăng dần – được mô tả chi tiết dưới đây. Giai đoạn kích hoạt càng cao chứng tỏ bệnh nhân càng có khả năng thực hiện các hành vi lành mạnh liên quan đến chế độ ăn uống, tập luyện và càng có cơ hội đạt được những kết quả tích cực hơn.1,4

“Kích hoạt Bệnh nhân” có liên quan đến các những hành vi lâm sàng tích cực và cải thiện kết cục nên phương pháp này đặc biệt chú trọng đến khả năng đánh giá và tác động đến giai đoạn kích hoạt của bệnh nhân. Sự quan trọng của mối quan hệ nhân viên y tế – bệnh nhân và sự giao tiếp hiệu quả của nhân viên y tế trong phương pháp này đã được khẳng định, trong đó mức độ nhân viên y tế sẵn sàng hỗ trợ về mặt cảm xúc và khuyến khích bệnh nhân tự quản lý điều trị có liên quan đến sự gia tăng “giai đoạn kích hoạt” của bệnh nhân.4

Nhân viên y tế hỗ trợ cảm xúc (những người có thể tạo động lực giúp bệnh nhân tự quản lý điều trị) có mức độ kích hoạt bệnh nhân cao hơn và có kết cục điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.

Các bộ câu hỏi về điều trị có thể định lượng hiệu quả được hành vi tuân thủ của bệnh nhân

Bên cạnh PAM, còn có những thang đo và khảo sát đặc thù khác để định lượng riêng sự tuân thủ điều trị và nhiều trong số này có bao gồm các bộ câu hỏi tự báo cáo. Những bộ câu hỏi này có tính áp dụng, linh hoạt và giúp nhân viên y tế nhận định được niềm tin, những mối quan tâm của từng bệnh nhân bên cạnh phản hồi theo thời gian thực, liên quan đến cả bệnh nhân và nhân viên y tế.7 Hiện có nhiều bộ câu hỏi về tuân thủ, nhưng trong số này, MAQ và BMQ là những phương pháp được đề cập nhiều nhất trong y văn.2,3,5

MAQ* còn gọi là Thang đo Tuân thủ điều trị Morisky 4 yếu tố (four-item Morisky Medication Adherence Scale – MMAS-4) hay Thang đo Morisky,3 là thang đo tuân thủ điều trị được sử dụng phổ biến nhất. Đây là công cụ ngắn gọn, đơn giản và đã được công nhận trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.3 Những câu hỏi đặt ra cho bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh có thể bao gồm:

  • Thỉnh thoảng bạn có quên uống thuốc không?
  • Khi nhận thấy các triệu chứng mãn kinh được kiểm soát, thỉnh thoảng bạn có ngưng uống thuốc không?

Tương tự, BMQ là một phương tiện ngắn gọn có khả năng phát hiện loại và yếu tố chi phối hành vi không tuân thủ, bao gồm thói quen (thường xuyên so với không thường xuyên), niềm tin vào hiệu quả của thuốc và sự ghi nhớ (gặp khó khăn trong việc nhớ uống thuốc). Mặc dù có tên gọi là “Bộ câu hỏi Điều trị Tóm tắt”, BMQ vẫn gặp nhiều khó khăn khi áp dụng tại cơ sở y tế. Những câu hỏi đặt ra cho bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh có thể bao gồm:

  • Số thuốc bạn được chỉ định để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh?
  • Hãy liệt kê tất cả các thuốc bạn đang được chỉ định để điều trị triệu chứng mãn kinh?

Những biện pháp trên có thể được thực hiện tương đối dễ dàng tại các cơ sở y tế.3 Kết quả nhận được giúp cung cấp thông tin hữu ích cho nhân viên y tế đang tìm hiểu hành vi tuân thủ điều trị mãn kinh của bệnh nhân.

Những phương pháp đo lường sự tuân thủ giúp hiểu hơn về bệnh nhân trong thực hành lâm sàng thường quy

PAM và bộ câu hỏi có thể giúp nhân viên y tế hiểu rõ thái độ, niềm tin về sức khoẻ cũng như thói quen tuân thủ của bệnh nhân. Hiểu được bệnh nhân đang ở giai đoạn kích hoạt nào là căn cứ để gợi ý loại hỗ trợ hay can thiệp phù hợp nhất cho bệnh nhân. Các giai đoạn kích hoạt của PAM có thể được minh hoạ qua ví dụ về một bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh điển hình như sau:

  • Giai đoạn 1 – Rút lui và bị áp đảo: bệnh nhân không tin tưởng và không hiểu được vai trò của chính mình trong việc tự chăm sóc bản thân. Bệnh nhân không uống thuốc thường xuyên hay thảo luận triệu chứng với bác sĩ vì họ không nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc quản lý tình trạng mãn kinh.
  • Giai đoạn 2 – Biết nhưng đang đấu tranh: bệnh nhân cảm thấy có trách nhiệm chăm sóc bản thân và tuân thủ điều trị được chỉ định nhưng có thể không tuân theo khuyến cáo của bác sĩ vì không hiểu rõ lợi ích của việc tuân thủ hoặc thiếu tự tin khi thực hiện.
  • Giai đoạn 3 – Hành động: bệnh nhân đã hiểu rõ tình trạng và trở nên chủ động. Họ thay đổi lối sống và theo dõi điều trị theo chỉ định. Tuy nhiên, họ vẫn cần được hỗ trợ thêm để duy trì mức độ tuân thủ.
  • Giai đoạn 4 – Duy trì và cải thiện: bệnh nhân đang tuân thủ chế độ được chỉ định nhưng vẫn chưa duy trì thường xuyên do áp lực tinh thần và cần được hỗ trợ thêm.6,7

Trong lúc thăm khám định kì, nhân viên y tế có thể sử dụng các biện pháp này để nắm bắt, cải thiện các triệu chứng mãn kinh và sự tuân thủ của bệnh nhân. Thậm chí nếu không sử dụng những phương tiện này, nhân viện y tế có thể đặt những câu hỏi dựa trên PAM và bộ câu hỏi tuân thủ điều trị:

Bạn nhận định vai trò của mình như thế nào đối với sức khoẻ của bản thân? Bạn có

nghĩ rằng vai trò đó rất quan trọng?

  • Bạn có biết phương pháp thay đổi lối sống và phương thức điều trị nào có sẵn giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh không?
  • Bạn có biết công dụng của các loại thuốc và liệu pháp được chỉ định không?1
  • Khi cảm thấy các triệu chứng mãn kinh được kiểm soát, thỉnh thoảng bạn có ngưng dùng thuốc không?2

Nhân viên y tế có thể căn cứ vào câu trả lời của bệnh nhân để hỗ trợ phù hợp cho từng bệnh nhân, từ đó thúc đẩy sự kích hoạt bệnh nhân và cải thiện sự tuân thủ. Một bệnh nhân không nhận thức được vai trò của bản thân trong việc quản lý các triệu chứng mãn kinh có thể do thiếu kiến thức căn bản về mãn kinh và lợi ích của việc điều trị so với không điều trị. Nhân viên y tế có thể cung cấp kiến thức về giai đoạn tiền mãn kinh, những biện pháp có thể giúp làm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tương tự, những bệnh nhân ở mức độ kích hoạt cao hơn đã có những kiến thức và kĩ năng cần thiết để kiểm soát triệu chứng cũng như tuân thủ điều trị nhưng hành vi tuân thủ của bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng hoặc biến cố trong cuộc sống hay sức khoẻ không dự đoán trước được.7 Nhân viên y tế có thể tác động tích cực lên mức độ kích hoạt và sự tuân thủ của bệnh nhân bằng cách tìm hiểu, giải quyết những câu hỏi cũng như mối quan tâm của bệnh nhân, đảm bảo họ luôn nhận được sự hỗ trợ khi cần.

Những phương pháp can thiệp dựa trên thuyết hành vi cho nhân viên y tế và bệnh nhân

Nhiều mô hình hành vi được thiết lập để hiểu rõ và tác động lên hành vi sức khoẻ cũng như vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân; các khảo sát và bộ câu hỏi có thể bổ sung thêm cho các phương pháp tiếp cận định lượng. Nhân viên y tế có thể áp dụng tất cả các công cụ này, toàn bộ hoặc từng phần để xác định nhu cầu của bệnh nhân và cung cấp sự hỗ trợ phù hợp cho từng bệnh nhân khác nhau (cá thể hóa). Nhân viên y tế có thể tiếp cận những phương pháp can thiệp dựa trên thuyết hành vi này và phát triển nó theo những thông tin cung cấp từ chuyên gia giúp hỗ trợ chuyên biệt trong việc cải thiện triệu chứng mãn kinh.

tài liệu tham khảo

  1. Kinney RL, et al. Patient Education and Counseling. 2015;98(5):545-552.
  2. Culig J, Leppee M. Collegium Antropologicum. 2014;38(1):55-62.
  3. Lavsa, et al. Journal of the American Pharmacists Association. 2011;51(1):90-94.
  4. Graffigna G, et al. PloS One. 2017;12(6).10.1371/journal.pone.0179865.
  5. Lam WY, et al. BioMed Research International. 2015;EpubBM.
  6. Hibbard JH, et al. Health Services Research. 2004;39(4):1005-1026.
  7. Gimbel R, et al. JMIR Research Protocols. 2017;6(3):e38.