Điều gì tác động đến trải nghiệm của phụ nữ trong quá trình mãn kinh?

Có thể bạn chưa biết?

Thách thức và cơ hội trong quản lý tiền mãn kinh và mãn kinh hiệu quả

Tuổi thọ của phụ nữ trên toàn thế giới được tăng lên đáng kể nhờ sự tiến bộ nhanh trong quản lý lối sống và y học.1 Có khoảng 1,2 tỷ phụ nữ sẽ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh vào năm 2030 và sẽ tăng thêm 47 triệu mỗi năm sau đó.2 Những thay đổi về lối sống, chế độ luyện tập thể dục – thể thao và chế độ ăn được dự đoán sẽ làm gia tăng các bệnh lý mạn tính (như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch và ung thư) và nhiều bệnh trong số đó sẽ xuất hiện ở phụ nữ trong suốt giai đoạn mãn kinh.3 Xu hướng này dự báo một sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ phụ nữ trong tương lai cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét và xây dựng chế độ chăm sóc phù hợp để đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho phụ nữ tiền mãn kinh – mãn kinh.

Mãn kinh là quá trình tự nhiên ở phần lớn phụ nữ từ 45 đến 52 tuổi, được đánh dấu bằng sự thay đổi trong nội tiết và sự chấm dứt hành kinh.2 Có tới 90% phụ nữ gặp phải các triệu chứng khó chịu như bốc hoả, đổ mồ hôi ban đêm, rối loạn giấc ngủ, rối loạn chức năng tình dục, rối loạn cảm xúc, tăng cân và suy giảm nhận thức trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.4,5 Những triệu chứng này làm người phụ nữ lo lắng, khó chịu và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống cá nhân, xã hội và công việc của họ.5 Sự nhận thức và cảm nhận của phụ nữ về mãn kinh khá phức tạp, được xác định bởi các yếu tố sinh học, văn hoá, xã hội, tâm lý, cá nhân và hành vi.6 Những yếu tố này định hình các hành vi liên quan đến sức khoẻ, chẳng hạn như liệu một người phụ nữ có chủ động trao đổi về những triệu chứng họ gặp phải trong giai đoạn mãn kinh với bác sĩ hay không. Vì vậy, bác sĩ cần phải cân nhắc những yếu tố này trong suốt quá trình tương tác với người bệnh để có thể hiểu và lựa chọn được biện pháp phù hợp giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng sức khoẻ và chất lượng cuộc sống.5

Vai trò của yếu tố văn hoá trong nhận thức của phụ nữ về mãn kinh

Tất cả phụ nữ đều phải trải qua các triệu chứng mãn kinh, tuy nhiên, mức độ biểu hiện và tần suất của một vài triệu chứng cũng như cách những người phụ nữ ứng phó với chúng là khác nhau, phụ thuộc vào yếu tố địa lý và sắc tộc của họ.5 Có nghiên cứu chỉ ra rằng những triệu chứng mãn kinh phổ biển nhất của phụ nữ châu Á là đau nhức cơ thể, đau khớp và các vấn đề liên quan đến trí nhớ.3 Nhưng đối với phụ nữ phương Tây, triệu chứng thường gặp nhất là bốc hỏa.3 Hơn nữa, những yếu tố văn hóa này còn tạo nên sự khác biệt trong cách những người phụ nữ nhận thức về triệu chứng mãn kinh và sự quan tâm của họ đến việc điều trị.6 Cụ thể, phụ nữ châu Á có nhận thức kém về các liệu pháp điều trị mãn kinh và họ ít có khuynh hướng tìm kiếm điều trị hơn so với những phụ nữ phương Tây.3

Bác sĩ cần phải xem xét tầm ảnh hưởng của những yếu tố văn hóa này lên giai đoạn tiền mãn kinh ở bệnh nhân, bao gồm chế độ ăn, tập luyện thể dục – thể thao và đặc tính sinh sản có tác động đến các quá trình sinh học.6 Ngoài ra, niềm tin hoặc thái độ ảnh hưởng từ địa vị xã hội ở những phụ nữ trung niên và lớn tuổi cũng là những yếu tố cần phải cân nhắc. Để quản lý mãn kinh hiệu quả, cần giúp bệnh nhân hiểu rõ các liệu pháp điều trị hiện có, cá thể hóa điều trị, thúc đẩy trao đổi và chia sẻ quyền điều trị với bệnh nhân.

… không phải do tần suất hay sự dai dẳng của các triệu chứng mà chính sự hiểu biết, khả năng ứng biến, tâm trạng lo lắng và sự tự ti là nguyên nhân chính khiến mãn kinh thực sự trở thành vấn đề cho người phụ nữ.6

Sự động viên đóng vai trò quan trọng giúp phụ nữ vượt qua giai đoạn tiền mãn kinh

Các nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ của những triệu chứng mãn kinh dường như có liên quan đến mức độ động viên mà người phụ nữ nhận được. Vai trò của gia đình trong việc hỗ trợ tinh thần là rất quan trọng.7 Phụ nữ mãn kinh có thể gặp phải những thách thức trong giao tiếp xã hội, chẳng hạn như: cảm thấy không được thấu hiểu hoặc khó khăn trong chia sẻ những vấn đề mắc phải với các thành viên trong gia đình. Thiếu sự quan tâm và hỗ trợ hay thậm chí thái độ tiêu cực của các thành viên trong gia đình có thể khiến người phụ nữ không thoải mái để chia sẻ những cảm nhận của mình. Từ đó làm ảnh hưởng đến khả năng thích nghi với những thay đổi do mãn kinh mà cô ấy đang phải trải qua.8

Người chồng là một nhân tố quan trọng trong gia đình và là điểm tựa tinh thần cho phụ nữ mãn kinh. Sự hiểu biết và thái độ của người chồng có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức độ động viên mà cô ấy cảm nhận được. Mặc dù nam giới có thái độ khác nhau đối với sự mãn kinh của vợ mình nhưng đa số đều có quan niệm sai lầm về giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh và khó chấp nhận được những thay đổi ở người vợ trong giai đoạn này. Sự thay đổi cảm xúc có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách giao tiếp của phụ nữ với chồng mình. Hơn nữa, việc có ít hoặc không có kiến thức về mãn kinh khiến người chồng có xu hướng hạn chế giao tiếp với vợ để tránh nguy cơ xảy ra xung đột. Do đó, giao tiếp giữa các cặp vợ chồng và sự hỗ trợ tinh thần từ người chồng có thể kém đi, ảnh hưởng đến mối quan hệ hôn nhân và gây ra các vấn đề về tâm lý cho phụ nữ mãn kinh. Sự thấu hiểu và thái độ của người chồng có thể ảnh hưởng đến mức độ cảm nhận các triệu chứng mãn kinh của người vợ cũng như thái độ của người vợ về mãn kinh.7

Nghiên cứu chỉ ra rằng nam giới có thể sẵn lòng trao đổi nhiều hơn với người tư vấn cùng giới.7 Điều đó có nghĩa là bác sĩ có thể để cho các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ là nam trao đổi về vấn đề mãn kinh với người chồng và cùng đưa ra giải pháp giúp nâng cao tính hiệu quả của những biện pháp hỗ trợ cho người phụ nữ.7

Nhận thức về mãn kinh ở phụ nữ được định hình từ chính yếu tố tâm lý và cá nhân của họ

Sự nhận thức về mãn kinh của phụ nữ khá phức tạp nên bác sĩ cần hiểu rõ những yếu tố  tác động đến sự nhận thức này để có thể thảo luận và đề xuất chiến lược điều trị phù hợp.6 Lưu ý rằng yếu tố hành vi cũng ảnh hưởng đến việc quản lý sức khoẻ và các yếu tố này có  thể thay đổi được nên sẽ tạo cơ hội để bác sĩ hỗ trợ trong việc cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân trong giai đoạn mãn kinh.4,6 Hiểu và áp dụng được giảp pháp hành vi trong thực hành sẽ hỗ trợ bác sĩ quản lý mãn kinh hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo

  1. Shorey S, Ng ED. The experiences and needs of Asian women experiencing menopausal symptoms: a meta-synthesis. Menopause. 2019 May 1;26(5):557-69.
  2. Johnson A, Roberts L, Elkins G. Complementary and alternative medicine for menopause. Journal of Evidence-Based Integrative Medicine. 2019;24: 2515690X19829380.
  3. Baber R J. East is east and West is west: Perspectives on the menopause in Asia and The West. Climacteric. 2014;17(1):23–28.
  4. Constantine G D, Graham S, Clerinx C et al. Behaviours and attitudes influencing treatment decisions for menopausal symptoms in five European countries, Post Reprod Health. 2016 Sep; 22(3): 112–122; http://doi: 10.1177/2053369116632439.
  5. Monteleone P, Mascagni G, Giannini A et al. Symptoms of menopause—global prevalence, physiology and implications. Nat. Rev. Endocrinol. 2018;14(4):199.
  6. Hunter M, Rendall M. Bio-psycho-socio-cultural perspectives on menopause. Best Pract Res Clin Obstet Gynaecol. 2007;21(2): 261–274.
  7. Zhang X.,Wang G, Wang H et al. Spouses’ perceptions of and attitudes toward female menopause: a mixed-methods systematic review. Climacteric. 2020;23(2):148–157.
  8. Hoga LAK, Rodolpho JRC, Gonçalves BG et al. Women’s experience of menopause: A systematic review of qualitative evidence. JBI Database of Systematic Reviews and Implementation Reports. 2015;13(8) 250 – 337
  9. Leventhal H, Zimmerman R, Gutman M. Compliance: A Self Regulation Perspective. In Handbook of Behavioral Medicine. New York, NY: Guilford Press, 1984, pp 369-436.
  10. Hunter M, Smith M. Cognitive Behaviour Therapy (CBT) for menopausal symptoms. Information for women. POST REPRODUCTIVE HEALTH. 2017 Jan 1;23(2):77-82.