Vai trò của niềm tin đối với hành vi không tuân thủ điều trị
- Niềm tin có ảnh hưởng lớn đến động lực tuân thủ điều trị của bệnh nhân
- Bệnh nhân có thể có niềm tin về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị và khả năng tuân thủ điều trị của bản thân (tin tưởng chính mình)
- Bác sĩ lâm sàng cần đánh giá từng bệnh nhân để nắm rõ niềm tin và động lực của họ nhằm hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ chế độ dùng thuốc
Niềm tin có ảnh hưởng lớn đến hành vi không tuân thủ điều trị
Một số niềm tin có thể khiến bệnh nhân không tuân thủ chế độ điều trị, bao gồm niềm tin về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị, khả năng tuân thủ của bản thân hoặc tin tưởng chính mình (niềm tin rằng họ có thể thực hiện điều gì đó để đạt được kết quả mong muốn)1. Trong mô hình COM-B, niềm tin chủ yếu ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ thông qua động lực.
Về lâu dài, theo lý thuyết, nguyên nhân người bệnh tuân thủ dùng thuốc là do2:
- Hình thành niềm tin tích cực đối với việc điều trị (tin rằng việc điều trị có hiệu quả và tin tưởng chính mình)
- Thấy được bằng chứng hoặc được những người từng trải xác nhận niềm tin của họ là đúng
- Lặp lại/hình thành thói quen uống thuốc trong khoảng thời gian đủ lâu để hình thành tính tự giác duy trì hành vi tuân thủ điều trị

Tham khảo từ Phillips 2013.2
Mô hình dựa trên niềm tin
Các mô hình dựa trên niềm tin bao gồm Mô hình niềm tin sức khỏe (HBM) và Thuyết hành vi hoạch định (TPB).
Mô hình niềm tin sức khỏe được xây dựng vào những năm 1950 và có 5 yếu tố chính.3 Nhận thức về mức độ nghiêm trọng (niềm tin về mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và hậu quả của bệnh), nhận thức về mức độ nhạy cảm (mức độ mà bệnh nhân cảm thấy có nguy cơ bị nhiễm/mắc bệnh) và tín hiệu hành động (tín hiệu từ bên trong như tình trạng cơ thể hoặc triệu chứng, hoặc tín hiệu từ bên ngoài như nhắc nhở về cuộc hẹn với bác sĩ), những yếu tố này đều góp phần giúp bệnh nhân nhận biết rõ ràng hơn về nguy cơ. Cùng với nhận thức về lợi ích (tính hiệu quả và khả năng thực hiện một hành động cụ thể) và nhận thức về rào cản (những rào cản tiêu cực khi thực hiện một hành động), các yếu tố này sẽ góp phần tăng mức độ tuân thủ3.
Mô hình Thuyết hành vi hoạch định đã được thử nghiệm rộng rãi và áp dụng thành công để hiểu được các hành vi đối với sức khỏe. Mô hình này đã được chứng minh là có thể dự đoán về mức độ tuân thủ, cho thấy ngay những hành vi có chủ đích (như động lực) để khuyến khích, cũng như những hành vi bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, như thái độ đối với hành vi, quy chuẩn chủ quan (chẳng hạn như suy nghĩ của người khác) và kiểm soát hành vi nhận thức (tương tự như niềm tin chính mình)4.

Niềm tin có ảnh hưởng lớn đến hành vi không tuân thủ điều trị
Niềm tin về bệnh tật
Mô hình tự điều chỉnh ý thức (common sense self-regulation model/CS-SRM) đã được áp dụng trong nhiều tình trạng bệnh để tìm hiểu về các cách bệnh nhân nhận thức và cách họ đương đầu với căn bệnh của mình. Mô hình này mô tả cách bệnh nhân tìm hiểu về bệnh hoặc mối đe dọa sức khỏe của mình và các phản ứng tương ứng của họ, trong đó có hành vi tuân thủ điều trị. Mỗi bệnh nhân sẽ có niềm tin khác nhau về các yếu tố sau2:
- Xác định bệnh – cách bệnh nhân gọi căn bệnh của mình và các triệu chứng liên quan đến bệnh đó
- Nguyên nhân – niềm tin của bệnh nhân về (các) nguyên nhân gây bệnh
- Giai đoạn bệnh – niềm tin của bệnh nhân về giai đoạn bệnh của họ, như cấp tính, mạn tính hay theo chu kỳ
- Hậu quả – niềm tin của bệnh nhân về hậu quả của bệnh tới đời sống xã hội, chi phí và sức khỏe của họ
- Kiểm soát – niềm tin của bệnh nhân về mức độ kiểm soát của họ, bác sĩ và phương pháp điều trị
Niềm tin về phương pháp điều trị
Để tìm hiểu và hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ điều trị, cần cân nhắc đến niềm tin của bệnh nhân về loại thuốc được kê đơn5.
Niềm tin của bệnh nhân về phương pháp điều trị có thể được chia ra thành hai chủ đề cốt lõi6:
- Sự cần thiết của thuốc được kê đơn để duy trì sức khỏe ở thời điểm hiện tại và trong tương lai
- Mối lo về các tác dụng phụ tiềm ẩn trong quá trình điều trị, như tình trạng phụ thuộc thuốc hoặc các tác dụng phụ về lâu dài
Bằng chứng cho thấy những bệnh nhân tin tưởng vào sự cần thiết của thuốc được kê đơn và những người ít lo lắng hơn về đơn thuốc có khả năng tuân thủ tốt hơn7.
Các hành vi tuân thủ bị ảnh hưởng bởi việc cầm cân nảy mực giữa sự cần thiết của thuốc để duy trì hoặc cải thiện sức khỏe và những lo ngại về tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc5, 6.
Việc cố ý không tuân thủ điều trị thường dựa trên niềm tin của bệnh nhân về những tác dụng có lợi, tác dụng phụ hoặc khả năng gây nghiện của thuốc, bất kể niềm tin đó là đúng hay sai8.
Niềm tin vào chính mình
Tin tưởng chính mình là niềm tin hoặc mức độ tự tin của một người rằng họ có thể thực hiện thành công một hành vi cụ thể để đạt được kết quả mong muốn1. Niềm tin vào bản thân có thể “rèn luyện được”, tức là mức độ tự tin có thể thay đổi bằng cách thuyết phục hoặc khích lệ. Do đó, đây là một hướng đi quan trọng để cải thiện hành vi tuân thủ dùng thuốc1.
Đây cũng được coi là một trong những yếu tố dự báo chung quan trọng nhất về khả năng thay đổi hành vi và tự kiểm soát tình trạng bệnh (bao gồm cả mức độ tuân thủ điều trị)1. Một đánh giá về các ấn phẩm nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp chỉ ra rằng bệnh nhân càng có niềm tin vào bản thân thì càng tuân thủ uống thuốc tốt hơn9.

Thuyết phục hoặc khích lệ có thể giúp bệnh nhân tăng “niềm tin vào chính mình”
Tìm hiểu về niềm tin của từng bệnh nhân để đưa ra hỗ trợ phù hợp với họ
Bác sĩ lâm sàng nên đánh giá từng bệnh nhân để hiểu được động lực và niềm tin mà họ đang có. Bác sĩ nên trao đổi với bệnh nhân về những niềm tin này nếu cho rằng đó có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bệnh nhân không tuân thủ điều trị, đồng thời giải thích và khuyến khích bệnh nhân xây dựng niềm tin9. Bác sĩ có thể sử dụng một số công cụ để đánh giá niềm tin của bệnh nhân, như Bảng câu hỏi ngắn về nhận thức đối với bệnh tật10 và Bảng câu hỏi về Niềm tin đối với thuốc5. Phỏng vấn tạo động lực cũng là một cách hữu hiệu để bệnh nhân chia sẻ về niềm tin của họ cũng như giúp họ tìm cách thay đổi hành vi của mình; bác sĩ có thể trò chuyện bằng cách đặt câu hỏi mở và đi sâu vào tình hình cá nhân, sở thích và giá trị của bệnh nhân.
Tài liệu tham khảo:
- Lamarche L, et al. Self-efficacy for medication management : a systematic review of instruments. Patient Preference and Adherence 2018;12:1279–87.
- Phillips LA, et al. Assessing theoretical predictors of long-term medication adherence: Patients’ treatment-related beliefs, experiential feedback and habit development. Psychology & Health 2013;28(10):1135–51.
- Jones CJ, et al. Evaluating the effectiveness of health belief model interventions in improving adherence: a systematic review. Health Psychol Rev 2014;8(3):253–69.
- Bane C, et al. Determinants of medication adherence in hypertensive patients: an application of self-efficacy and the Theory of Planned Behaviour. IJPP 2006;14:197–204.
- Horne R, et al. Understanding Patients’ Adherence-Related Beliefs about Medicines Prescribed for Long-Term Conditions: A Meta-Analytic Review of the Necessity-Concerns Framework. PLoS One 2013;8(12):e80633.
- Horne R, et al. Patients’ beliefs about prescribed medicines and their role in adherence to treatment in chronic physical illness. J Psychosom Res 1999;47(6):555–67.
- Ross S, et al. Patient compliance in hypertension: role of illness perceptions and treatment beliefs. Journal of Human Hypertension 2004;18:607–13.
- Pakpour AH, et al. Intention and planning predicting medication adherence following coronary artery bypass graft surgery. J Psychosom Res 2014;77(4):287–95.
- Al-Noumani H, et al. Health beliefs and medication adherence in patients with hypertension: A systematic review of quantitative studies. Patient Education and Counseling 2019;102:1045–56.
- Broadbent E, et al. The brief illness perception questionnaire. J Psychosom Res 2006;60(6):631–7.