Tuân thủ điều trị: điều gì bạn có thể làm đối với các thách thức sau khi tư vấn bệnh nhân? – Hội nghị a:care
Thách thức toàn cầu của tuân thủ điều trị
Không tuân thủ điều trị là một thách thức toàn cầu, theo thống kê khoảng 30 – 50% lượng thuốc được kê toa để điều trị các bệnh lý mạn tính không được sử dụng đúng cách, ngoài ra việc không tuân thủ ảnh hưởng không nhỏ đến các khía cạnh của kinh tế-xã hội như gây lãng phí thuốc, gia tăng chi phí điều trị, gia tăng tỉ lệ tử vong do các biến cố cấp tính,… Việc không tuân thủ điều trị được phân tích trên các khía cạnh: các yếu tố thúc đẩy hành vi bệnh nhân, nhân viên y tế, hệ thống chăm sóc y tế.
Chúng ta phải nhận ra những rào cản đến từ bệnh nhân, nhân viên y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe để tìm đúng giải pháp, bởi tuân thủ điều trị là “một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng”. Khi giao tiếp với người bệnh, nhân viên y tế cần nắm được những yếu tố thúc đẩy việc không tuân thủ điều trị của bệnh nhân để có hành động can thiệp kịp thời và thích hợp với từng bệnh nhân, đó là một quá trình dài hạn cần được đào tạo lâu dài cũng như cần có sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số hiện đại.
Hành vi và niềm tin: Nền tảng của tuân thủ điều trị
Điều trị cho bệnh nhân không chỉ là việc bác sĩ kê toa thuốc, mà còn là việc bác sĩ nhận biết các định kiến, niềm tin, sự mong đợi của người bệnh về phương pháp điều trị. Thay đổi nhận thức của bệnh nhân, khắc phục những nhận thức sai lệch, những suy nghĩ thông thường và tiêu cực về căn bệnh bằng cách cung cấp cho họ nhiều thông tin khi chuyên viên y tế bắt đầu quá trình điều trị, nhằm giúp bệnh nhân có niềm tin vào việc thay đổi hành vi và thúc đẩy tuân thủ điều trị để cải thiện sức khỏe của mình.
Cách tránh những khủng hoảng nghiêm trọng khi gặp “những rối loạn thầm lặng”
Trong điều trị các bệnh lý thần kinh như động kinh, rối loạn tiền đình, sự đồng lòng, tuân thủ và kiên trì của người bệnh, thân nhân và sự phối hợp của đội ngũ nhân viên y tế góp phần vào hiệu quả điều trị.
Khi trao đổi với người bệnh về việc xây dựng phương pháp điều trị và thay đổi hành vi, bác sĩ cần phải cho bệnh nhân của mình biết rằng hiệu quả điều trị sẽ cần thời gian dài tuân thủ, những tác dụng phụ của biện pháp điều trị, những tình huống tốt và xấu nhất của bệnh tương ứng với thái độ tuân thủ của người bệnh,… bác sĩ nên lắng nghe thường xuyên các phản hồi của người bệnh có liên quan đến các biện pháp điều trị để cân bằng giữa lợi ích, tác dụng phụ, liều lượng thuốc một cách tối ưu nhất.
Đối với các bệnh lý rối loạn khí sắc, việc đơn giản hóa điều trị, sự hợp tác giữa nhân viên y tế và bệnh nhân góp phần quan trọng thúc đẩy sự tuân thủ. Tuy nhiên, sự không phù hợp giữa tình trạng bệnh và tên thuốc khiến người bệnh hoang mang, thiếu sự tin tưởng, điều này dẫn đến giảm tuân thủ điều trị và làm cho mức độ của bệnh trầm trọng hơn. Cùng với việc đặt lại tên thuốc, thông tin thuốc được số hóa giúp cho người bệnh tìm hiểu dễ dàng, chính xác hơn về tác dụng, hiệu quả, tác dụng phụ của thuốc điều trị, tạo niềm tin thúc đẩy tuân thủ điều trị.
Sự thay đổi hành vi của bệnh nhân trải qua các giai đoạn:

Lập kế hoạch, phỏng vấn tạo động lực, xây dựng mối quan hệ tốt với người bệnh, lấy người bệnh là trung tâm cho phép chúng ta biết được bệnh nhân đang ở giai đoạn nào của sự thay đổi hành vi để có những can thiệp thích hợp đạt mục tiêu tuân thủ.
Làm thế nào để giúp bệnh nhân duy trì tuân thủ khi không có triệu chứng bệnh lý?
Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu là những bệnh lý không biểu hiện triệu chứng ở người bệnh, chính vì vậy việc tuân thủ điều trị gặp khó khăn không chỉ ở người lớn tuổi mà còn ở những người trẻ tuổi do biểu hiện thầm lặng của bệnh.
Cá thể hóa điều trị, phác đồ thuốc dễ sử dụng, viên thuốc kết hợp, phỏng vấn tạo động lực giúp tìm hiểu nguyên nhân gây khó khăn trong việc tuân thủ của bệnh nhân để đội ngũ chuyên viên y tế có thể can thiệp kịp thời. Việc áp dụng công nghệ để theo dõi sự tuân thủ như tin nhắn hoặc cuộc gọi tự động nhắc nhở uống thuốc đang cho thấy hiệu quả, kể cả ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Nghịch lý của việc không tuân thủ trên những bệnh lý có triệu chứng rõ ràng
Không chỉ xảy ra ở các bệnh lý không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sự không tuân thủ điều trị còn xảy ra ở những bệnh nhân biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng khi kém tuân thủ, điển hình như bệnh thiểu năng tụy ngoại tiết. Những bệnh nhân mắc thiểu năng tụy ngoại tiết với các biểu hiện: đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy, tiêu phân sống nhầy mỡ, sụt cân,… ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị với men tụy. Vậy vì sao vẫn có tình trạng kém tuân thủ ở những bệnh nhân này?
Thứ nhất, do chưa có một hướng dẫn điều trị rõ ràng, việc kê toa và theo dõi người bệnh do những bác sĩ ở những chuyên khoa khác nhau dẫn đến người bệnh thiếu sự tin tưởng về phương pháp điều trị. Hướng dẫn điều trị rõ ràng đồng thời được các chuyên gia đúng lĩnh vực điều trị và theo dõi giúp người bệnh cải thiện sự tuân thủ. Thứ hai, người bệnh gặp phải các vấn đề kinh tế-xã hội, không tuân thủ có chủ đích, các thói quen có hại chưa thay đổi được như hút thuốc lá, uống rượu,… góp phần làm giảm hiệu quả điều trị. Họ chỉ thực sự tuân thủ điều trị khi bệnh đã diễn tiến đến giai đoạn nghiêm trọng hoặc ung thư hóa. Cuối cùng, chi phí điều trị và khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tuân thủ.
Nhân viên y tế cần thể hiện được các kỹ năng giao tiếp như thể hiện sự đồng cảm, hợp tác, tập trung lắng nghe, khơi gợi, không phán xét. Các kỹ năng này sẽ giúp nhân viên y tế thấu hiểu nhiều hơn về các rào cản làm giảm tuân thủ điều trị của bệnh nhân, từ đó can thiệp kịp thời.
Nguyên tắc quản lý đề kháng kháng sinh và tác động của việc tuân thủ đến đề kháng kháng sinh
Sử dụng kháng sinh đúng cách cần phải đảm bảo các nguyên tắc sau: đúng chỉ định, đúng bệnh nhân, đúng đường dùng, đúng thời điểm và đúng thời gian. Để giúp ngăn ngừa đề kháng kháng sinh, nhân viên y tế cần tham gia các chương trình đào tạo sử dụng kháng sinh, khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị kháng sinh đã được kê toa, không sử dụng kháng sinh dài ngày, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng kháng sinh đảm bảo đúng các nguyên tắc.
Việc không tuân thủ điều trị kháng sinh đã được kê toa không những làm giảm hiệu quả điều trị, mà còn gia tăng tỉ lệ kháng thuốc kháng sinh, đây chính là vấn đề nan giải hiện nay. Là nhân viên y tế, ngoài việc đảm bảo thực hiện đúng các nguyên tắc sử dụng kháng sinh, chúng ta phải sử dụng các kỹ năng giao tiếp cần thiết để nhận biết các rào cản làm giảm tuân thủ, giải thích, thảo luận với bệnh nhân để giúp họ nhận thức được sự quan trọng của việc tuân thủ điều trị kháng sinh, nâng cao hiệu quả điều trị và làm giảm tỷ lệ đề kháng kháng sinh.
Các chiến lược cá thể hóa sự tuân thủ và tác động của các chiến lược này đối với trải nghiệm của bệnh nhân trong lĩnh vực sản phụ khoa
Mang thai ngoài ý muốn và phá thai đang là vấn nạn toàn cầu. Điều này xảy ra là do thiếu sự hiểu biết về các biện pháp tránh thai, tác dụng phụ và không tuân thủ. Để cải thiện sự tuân thủ, nhiều cải tiến trong các biện pháp tránh thai giúp phù hợp hơn với nhu cầu cá nhân của phụ nữ. Lấy bệnh nhân làm trung tâm, thông tin đầy đủ về lợi ích và nguy cơ của các biện pháp tránh thai, cùng họ đưa ra quyết định lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, theo dõi, đưa ra lời khuyên và đồng hành cùng họ để duy trì sự tuân thủ là những yếu tố góp phần quan trọng giảm thiểu các vấn nạn kể trên.
Mãn kinh là một quá trình diễn tiến trong một thời gian dài với sự thay đổi các nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ, dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tinh thần như: cơn bốc hỏa, cảm xúc tiêu cực, rối loạn giấc ngủ, khô teo âm đạo. Tình trạng mãn kinh là tăng nguy cơ bệnh lý tim mạch mạn tính, loãng xương… Điều trị triệu chứng mãn kinh cần có sự kết hợp của nhiều khía cạnh như sinh học, tâm lí, văn hóa, xã hội. Cũng giống như các bệnh lý khác, khi điều trị triệu chứng mãn kinh, chúng ta cần khai thác bệnh sử, chia sẻ thông tin, đưa ra quyết định, theo dõi điều trị, lắng nghe các phản hồi từ bệnh nhân. Phân tích lợi ích và nguy cơ, sử dụng các kỹ năng phỏng vấn tạo động lực giúp việc điều trị các triệu chứng mãn kinh được cá thể hóa, nâng cao tuân thủ để đạt được hiệu quả điều trị.
Cải thiện tuân thủ điều trị nhờ phỏng vấn tạo động lực
Với cách tiếp cận truyền thống, để người bệnh tuân thủ điều trị, nhân viên y tế thường ra lệnh, yêu cầu, phàn nàn, chỉ trích, đe dọa,… khiến bệnh nhân thường báo cáo không đúng về tình trạng tuân thủ điều trị, dẫn đến kết quả điều trị không mong muốn.
Hiện nay, với mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm, nhân viên y tế và bệnh nhân cùng nhau hợp tác, cùng xây dựng chế độ điều trị thích hợp, tôn trọng, khích lệ để giúp bệnh nhân cải thiện tuân thủ điều trị là mục đích của phương pháp phỏng vấn tạo động lực. Chiến lược của phỏng vấn tạo động lực là dựa trên khoa học hành vi, sự hiểu biết về các giai đoạn của thay đổi hành vi, đồng cảm, không đối đầu, mang tính xây dựng. Đặt câu hỏi mở, khẳng định, lắng nghe phản hồi, tổng kết là các kỹ năng cần có để thực hiện phỏng vấn tạo động lực.
Tăng cường khả năng tiếp cận để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tự quản lý tình trạng bệnh: giải pháp kỹ thuật số
Gần đây, một số sáng tạo kỹ thuật số dùng trong tuân thủ điều trị đã góp phần cải thiện tính tuân thủ, đặc biệt là trên các bệnh mạn tính. Các giải pháp kỹ thuật số thúc đẩy tuân thủ dựa trên 3 khía cạnh: đặc điểm nhân chủng học và văn hóa của dân số, phương tiện truyền thông sẵn có, chương trình mục tiêu can thiệp.
Sự phát triển của công nghệ và phương tiện truyền thông dựa trên khoa học hành vi, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã hỗ trợ nhân viên y tế theo dõi sự tuân thủ ở bệnh nhân một cách cá thể hóa hơn, kết nối với bệnh nhân dễ dàng, không phụ thuộc vào thời gian và địa điểm, bằng nhiều phương thức khác nhau, góp phần cải thiện sự tuân thủ và thay đổi hành vi trong điều trị các bệnh lý mạn tính.
Giới thiệu về ứng dụng tạo động lực tuân thủ my a:care
my a:care là ứng dụng miễn phí hỗ trợ tuân thủ điều trị của công ty Abbott, phát triển dựa trên khoa học hành vi phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội theo từng quốc gia mà ứng dụng được phát hành. Đây là một ứng dụng có nhiều tính năng như tạo động lực, nhắc nhở uống thuốc dựa trên cá thể hóa, giúp bệnh nhân luôn quan tâm đến việc uống thuốc mọi lúc, cung cấp những thông tin chính xác cho bệnh nhân, đảm bảo quyền riêng tư và bảo mật thông tin. Ngoài ra còn có tính năng thu thập điểm để người dùng nhìn thấy thành tích tuân thủ của mình, cũng như nhắc nhở họ về việc họ không tuân thủ điều trị.

Để xem chi tiết các bài trình bày của các báo cáo viên tại Hội nghị a:care, mời quý bác sĩ/dược sĩ nhấp vào từng nội dung bên dưới đây:
1. Thách thức toàn cầu của tuân thủ điều trị
GS. John Weinman, Giáo sư Danh dự tại Viện Tâm thần, Tâm lý & Khoa học Thần kinh tại King’s College London, Vương quốc Anh
2. Hành vi và niềm tin: Nền tảng của tuân thủ điều trị
GS. Rob Horne, Chuyên ngành Y học Hành vi tại Đại học London
3. Cách tránh những khủng hoảng nghiêm trọng khi gặp “những rối loạn thầm lặng”
GS. Michael Strupp, Chuyên ngành Thần kinh học, Khoa Thần kinh và Trung tâm Chóng mặt và Rối loạn Cân bằng Đức, Bệnh viện Đại học Munich, Đức
GS. Joseph Zohar, Giám đốc Trung tâm Sau chấn thương quốc gia, Quỹ Nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba, Israel
GS. Atul Pathak, Chuyên ngành Y khoa và Trưởng Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Princess Grace ở Monaco
4. Làm thế nào để giúp bệnh nhân duy trì tuân thủ khi không có triệu chứng bệnh lý
GS. Markus Schlaich, Chuyên ngành Nghiên cứu Lâm sàng, Trung tâm Tăng huyết áp Dobney, Trường Y, Bệnh viện Hoàng gia Perth, Úc
GS. S. Lale Tokgözoğlu, Chuyên ngành Tim mạch tại Đại học Hacettepe, Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ
TS. Sheri Pruitt, Nguyên Giám đốc, Bộ phận Tích hợp Khoa học Hành vi, Kaiser Permanente
5. Nghịch lý của việc không tuân thủ trên những bệnh lý có triệu chứng rõ ràng
GS. Matthias Löhr, Chuyên ngành Tiêu hóa & Gan mật tại Viện Karolinska, Thụy Điển
TS. Sheri Pruitt, Nguyên Giám đốc, Bộ phận Tích hợp Khoa học Hành vi, Kaiser Permanente
6. Nguyên tắc quản lý đề kháng kháng sinh và tác động của việc tuân thủ đến đề kháng kháng sinh
GS. Evangelos J. Giamarellos-Bourboulis, Giáo sư Khoa Nội, Trường Y Athens, Hy Lạp
7. Các chiến lược cá thể hóa sự tuân thủ và tác động của các chiến lược này đối với trải nghiệm của bệnh nhân trong lĩnh vực sản phụ khoa
GS. Johannes Bitzer, Giáo sư danh dự tại Khoa Sản phụ khoa tại các bệnh viện trường đại học của Đại học Basel, Thụy Sĩ
GS. Rossella Nappi, Chuyên ngành Sản phụ khoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học Sinh sản và Bộ phận Nội tiết-Mãn kinh Phụ khoa, Tổ chức IRCCS San Matteo, Đại học Pavia, Ý
GS. Rob Horne, Chuyên ngành Y học Hành vi tại Đại học London
8. Cải thiện tuân thủ điều trị nhờ phỏng vấn tạo động lực
GS. Atul Pathak, Chuyên ngành Y khoa và Trưởng Khoa Tim mạch tại Bệnh viện Princess Grace ở Monaco.
9. Tăng cường khả năng tiếp cận để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh mạn tính tự quản lý tình trạng bệnh: giải pháp kỹ thuật số
GS. John Piette, Khoa Giáo dục sức khỏe & Hành vi sức khỏe kiêm Đồng Giám đốc Trung tâm Quản lý Bệnh mãn tính, Ann Arbor, Hoa Kỳ
TS. Bernard Vrijens, Giáo sư thỉnh giảng cho chuyên ngành Thống kê sinh học của Đại học Liege, Bỉ
PGS. Enrique de-Madaria, Chuyên ngành Tiêu hóa, Đại học Miguel Hernández, Elche, Tây Ban Nha
10. Giới thiệu về ứng dụng tạo động lực tuân thủ my a:care
GS. John Piette, Khoa Giáo dục sức khỏe & Hành vi sức khỏe kiêm Đồng Giám đốc Trung tâm Quản lý Bệnh mãn tính, Ann Arbor, Hoa Kỳ
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nhân, Bác sĩ điều trị khoa ICU – Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch
Biên soạn dựa trên Hội nghị a:care toàn cầu lần đầu về Tuân thủ điều trị dựa trên khoa học hành vi năm 2021.