Hai hệ thống tư duy: vì sao con người “lý trí” lại đưa ra những chọn lựa “phi lý”

Thông điệp chính

Không tuân thủ điều trị, đặc biệt là không tuân thủ điều trị có khả năng quyết định tính mạng bệnh nhân, có thể được giải thích bởi thực tế con người không phải là chủ thể có khả năng đưa ra quyết định hợp lý.
Những đột phá gần đây trong khoa học hành vi chứng minh rằng con người đưa ra quyết định theo hai hệ thống tư duy: Hệ thống 1 trực quan, cảm tính nhưng nhanh chóng và Hệ thống 2 hợp lý, tư duy nhưng phức tạp hơn. Con người có xu hướng thiên về Hệ thống 1. Cả hệ thống 1 & 2 đều dẫn đến sự không tuân thủ có chủ ý.

Có rất nhiều lý do mọi người viện dẫn để giải thích cho việc không tuân thủ thuốc của họ, và thường các lời giải thích này xoay quanh những gì bệnh nhân nhìn nhận khi phân tích về cái được/mất của cá nhân họ. Mặc dù bệnh nhân có thể cảm nhận những quyết định này là hợp lý, nhưng thường chúng không hợp lý chút nào. Sự phát triển trong khoa học hành vi có thể làm sáng tỏ cách thức đưa ra quyết định tuân thủ và cách các nhân viên y tế có thể tạo ảnh hưởng tốt hơn đến họ.

 “Người lý trí” và “Người phi lý” sẽ không có thái độ như nhau về việc tuân thủ

Cho đến những năm 1960 hầu như tất cả các nhà kinh tế đều dựa vào tiền đề cho rằng con người là lý tính và với cùng một thông tin nhận được giống nhau, tất cả mọi người sẽ hành động theo một cách như nhau. Nói về sự tuân thủ, hàm ý là khi một loại thuốc điều trị giúp cứu sống bệnh nhân được chỉ định bởi bác sĩ, những người có lý trí này, hay còn gọi là “econs”* sẽ tuân thủ nó một cách nghiêm ngặt.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ tuân thủ điều trị trung bình khoảng 50% đối với các bệnh mãn tính, bao gồm cả bệnh lý tim mạch1. Từ những năm 1970, bản chất phi lý của quá trình đưa ra quyết định của chúng ta bắt đầu được nghiên cứu và phân loại chi tiết. Cùng một thông tin nhưng với những quan điểm phân tích khác nhau, con người thường chấp nhận những hành vi phi lý một cách khách quan: “Econs” trở thành con người. Tất nhiên, “mỗi người” đều tin tưởng 100% vào sự hợp lý trong hành vi của mình, hợp lý hóa hành vi có khả năng tự làm hại bản thân như không tuân thủ điều trị (xem bài viết thứ hai trong tuyển tập các bài về tác động của việc không tuân thủ điều trị: Tác động của việc không tuân thủ điều trị bệnh tim mạch: chi phí cao hơn và tiên lượng xấu).

Trong những năm gần đây, cả tâm lý học và khoa học hành vi đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giải thích cách con người đưa ra quyết định. Những tiến bộ đáng kể đã được thực hiện bởi Daniel Kahneman (Giải thưởng Nobel, 2002) và Amos Tversky, người đã đề xuất rằng tâm trí con người có hai “hệ thống” tư duy, được tóm tắt là một cách “nhanh chóng” và không chủ đích so với “chậm chạp” và có chủ đích. Hai “hệ thống” này có thể điều chỉnh hành vi và thái độ của mọi người.

Hai hệ thống tư duy: “nhanh và chậm”

Trong cuốn sách của mình “Tư duy nhanh và chậm”, Kahneman giới thiệu lý thuyết của mình về cách mọi người đưa ra quyết định bằng cách sử dụng hai khái niệm hư cấu: hệ thống 1 và 2. Các hệ thống này có bản chất riêng biệt và mỗi hệ thống có một vai trò riêng biệt.

  • Hệ thống 1 là tức thì và tự phát. Nó giúp chúng ta đánh giá mà không cần nỗ lực suy nghĩ gì và chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định nhanh chóng. Hệ thống này cho phép mọi người xác định nguồn phát âm thanh, phát hiện sự chống đối trong giọng nói hoặc trên gương mặt, v.v… Theo Kahneman, hệ thống tư duy này chịu trách nhiệm cho khoảng 95% tất cả các quyết định của con người trong suốt quãng đời của họ2.
  • Hệ thống 2 đòi hỏi nỗ lực tinh thần, sự chú ý và sự tập trung. Hệ thống 2 có thể được xem là một người có khả năng tự nhận thức và có lý trí. Nó cho phép mọi người sắp xếp thông tin phức tạp, dựa trên đó để phản ánh, đưa ra lựa chọn hợp lý và xử lý các tình huống không phổ biến. Trong cuốn sách của mình, Kahneman mô tả Hệ thống 2 là “lười biếng”, bởi vì trong hầu hết các trường hợp, nó không thay đổi các quyết định mà Hệ thống 1 đề xuất. Nói cách khác, mọi người có xu hướng phản ứng một cách tự động hầu hết các sự kiện thay vì sử dụng hệ thống 2 và ngay cả khi họ sử dụng hệ thống 2, hệ thống 2 có xu hướng ủng hộ kết luận của hệ thống 1. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lười biếng của hệ thống 2 không liên quan gì đến khả năng nhận thức của con người. Hệ thống 1 và 2 tương tác qua lại khá thành công. Hệ thống 2 chịu trách nhiệm học tập, đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần và là một quá trình chậm. Nhưng một khi tình huống được suy nghĩ thấu đáo và những kết luận chung được lưu trữ trong bộ nhớ (nhờ những nỗ lực của Hệ thống 2), những kết luận đó trở thành một phần sở hữu của hệ thống 1. Kahneman đưa ra ví dụ về một Đại kiện tướng cờ vua, người đã chơi hàng chục ngàn ván cờ và có thói quen phân tích các nước cờ. Khả năng tìm kiếm một nước cờ mạnh mẽ trong một ván cờ đối với người chơi như vậy có thể dễ dàng và đã nằm sẵn trong hệ thống 1 của họ, trong khi một người chơi ít kinh nghiệm hơn sẽ phải sử dụng hệ thống 2.3 Hãy nghĩ về một ví dụ khác: nếu bạn đến từ Hoa Kỳ, hệ thống 1 của bạn sẽ dễ dàng hiểu được chiều dài 5 feet. Nhưng nếu bạn là người châu Âu, đầu tiên hệ thống 2 của bạn sẽ phải chuyển đổi chúng thành mét trước khi Hệ thống 1 có thể định được chiều dài thực tế.

Trong phạm vi khả dụng, Hệ thống 2 sẽ lưu trữ thông tin đã học thông qua các nỗ lực được áp dụng, Hệ thống 1 sẽ sử dụng chúng một cách tự nhiên để tương tác với các thông tin mới đến từ môi trường xung quanh.

Sự hiểu biết về hệ thống 1 và 2 giúp chúng ta giải thích được điều gì về hành vi tuân thủ điều trị của bệnh nhân?

Hãy xét ví dụ về một bệnh cấp tính được điều trị bằng kháng sinh. Các nghiên cứu cho thấy chỉ có 16% bệnh nhân tuân thủ hoàn toàn phương pháp điều trị bằng kháng sinh trên tổng tỷ lệ tuân thủ trung bình từ 43-78% 4, 5. Những lý do được bệnh nhân đưa ra là do tác dụng phụ của thuốc hoặc do lịch dùng thuốc quá phức tạp. Mặc dù những lý do này nghe có vẻ hợp lý, những kết luận rút ra lại là đại diện cho các phản ứng của Hệ thống 1. Hệ thống 1 tự động tiến hành phân tích một cách tức thì cái được/mất giữa nỗ lực dùng thuốc (ví dụ: nhớ uống thuốc, tác dụng phụ mà nó gây ra, v.v.) so với lợi ích có được, thường không dễ đạt được ngay lập tức (đặc biệt là khi các triệu chứng đã biến mất). Trong các bệnh mãn tính, nhiều bệnh không biểu hiện triệu chứng trong thời gian dài, quá trình phân tích tương tự cũng liên tục được thực hiện.

Phản ứng của Hệ thống 2 sẽ là sự cân nhắc hợp lý về những nguy hiểm của việc không hoàn thành điều trị bằng kháng sinh đúng chuẩn hoặc không tuân thủ điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, vì Hệ thống 2 được cho là “lười biếng” và yêu cầu nỗ lực mà người lý trí – “econ” luôn trong tâm thế sẵn sàng thực hiện, nhưng người khác thì thường không làm. Do đó, con người có xu hướng sử dụng “đường tắt”, “suy nghiệm” theo Hệ thống 1 cho phép chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng mà không cần nỗ lực của hệ thống 2. Những vấn đề áp dụng hình thức suy nghiệm này bao gồm những quyết định nhanh về số, đánh giá nguy cơ một cách vội vàng. Hình thức này có thể dẫn đến những quyết định không đúng đắn… bao gồm cả quyết định không tuân thủ điều trị.

Cả hai hệ thống 1 và 2 đều dẫn đến sự không tuân thủ có chủ đích

Bài viết trước trong tuyển tập này – Các yếu tố chi phối tính tuân thủ điều trị bệnh tim mạch và vai trò hành vi của bệnh nhân, thảo luận về các yếu tố không tuân thủ điều trị của bệnh nhân và chỉ ra rằng việc không tuân thủ điều trị là có chủ đích trong nhiều trường hợp. Nghe có vẻ nghịch lý khi việc không tuân thủ có chủ đích có thể là kết quả từ các quy trình “tự động” của hệ thống 1 – hệ thống chi phối hơn 95% quyết định của mọi người. Điều này có thể được làm rõ bằng các ví dụ sau:

  • Không tuân thủ có thể là kết quả của một quá trình có cân nhắc, đưa đến một quyết định có chủ đích các kết quả được thông báo rộng rãi. Ví dụ, một bệnh nhân tham khảo ý kiến một vài bác sĩ và thông báo về tình trạng của mình có thể dẫn đến quyết định ngừng điều trị. Quyết định không tuân thủ sẽ được tính trước và là kết quả từ các hoạt động của Hệ thống 2.
  • Mặt khác, một bệnh nhân có thể quyết định không tuân thủ điều trị dựa trên niềm tin được tạo ra một cách tự động bởi hệ thống 1, điều này cũng dẫn đến việc không tuân thủ có chủ đích. Ví dụ, một bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng có thể cố tình ngừng điều trị mà không suy xét quyết định của mình có hợp lý hay không mặc dù anh ta đã được thông báo rằng là không nên làm như vậy.

Những hiểu biết mới về tư duy theo Hệ thống 1 và Hệ thống 2 đưa ra lời giải thích quan trọng về hành vi tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Muốn tác động đến việc tuân thủ điều trị đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về cách con người đưa ra quyết định liên quan đến tình trạng bệnh và phương pháp điều trị của họ. Hai hệ thống tư duy được đề xuất bởi Kahneman và Tversky là một mô hình quan trọng và hữu ích để hiểu rõ hành vi tuân thủ. Những bài viết tiếp theo sẽ khảo sát các hệ thống này và các vấn đề “suy nghiệm” điều hướng hành vi của bệnh nhân nhằm đem lại ảnh hưởng tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Iuga, Aurel O, and Maura J McGuire. “Adherence and health care costs.” Risk management and healthcare policy vol. 7 35-44. 20 Feb. 2014, doi:10.2147/RMHP.S19801. 2. Philip Iordanov. “Thinking fast? Slow down..” 26th of December 2018 (https://neurofied.com/thinking-fast-slow-down/). 3. Emily Zulz, “Daniel Kahneman: Your Intuition Is Wrong, Unless These 3 Conditions Are Met”, 16th of November, 2018 (https://www.thinkadvisor.com/2018/11/16/daniel-kahneman-do-not-trust-your-intuition-even-f/?slreturn=20200226124756). 4. Przemyslaw Kardas, “Patient compliance with antibiotic treatment for respiratory tract infections”, Journal of Antimicrobial Chemotherapy, Volume 49, Issue 6, June 2002, Pages 897–903, https://doi.org/10.1093/jac/dkf046. 5. Samantha J. Eells, Megan Nguyen, Jina Jung, Raul Macias-Gil, Larissa May, Loren G. Miller, “Relationship between Adherence to Oral Antibiotics and Postdischarge Clinical Outcomes among Patients Hospitalized with Staphylococcus aureus Skin Infections“, DOI: 10.1128/AAC.02626-15 (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4862485/)