Thuyết hành vi hoạch định: Một vấn đề nan giải trong kiểm soát bệnh nhân

Thông điệp chính

  • Thuyết hành vi hoạch định (Theory of Planned Behavior – TPB) vượt xa cách tiếp cận “giá trị-kỳ vọng” thuần lý trí nhằm xem xét các yếu tố khác của việc ra quyết định.
  • TPB có thể hỗ trợ nhân viên y tế dự đoán hành vi của bệnh nhân và giải quyết những mối lo ngại mà bệnh nhân có thể không biểu hiện. 
  • TPB bao gồm cả những cân nhắc xã hội và câu hỏi về kiểm soát tình trạng của bệnh nhân.

Làm thế nào để con người đưa ra những quyết định khó khăn?
Làm thế nào để con người quyết định theo đuổi nghề nghiệp nào, mua xe nào, hoặc có nên dùng thuốc hay không? Các quyết định quan trọng thường là kết quả dựa trên một số mức độ suy nghĩ và lập kế hoạch, một quá trình mà Daniel Kahneman đã gọi là “Hệ thống tư duy 2” trong cuốn sách đột phá của ông, Suy nghĩ nhanh và chậm.1 Cơ chế mà con người sử dụng nhằm đi đến kết luận là gì?

Trong nhiều năm, việc ra quyết định phần lớn được coi là một quá trình thúc đẩy bởi những cân nhắc giữa “giá trị-kỳ vọng”, các cách phân tích lợi ích-chi phí mà hầu hết đều quen thuộc với lối tư duy: “Tôi sẽ nhận được X từ việc đó, nhưng nó sẽ khiến tôi phải tốn khoản Y về tiền bạc, công sức hoặc thời gian.” Nếu nhận thức được X lớn hơn Y, mọi người sẽ thực hiện quyết định.

Mô hình Niềm tin Sức khỏe, điều đã được xem xét trong phần trước của loạt bài này, “Nắm bắt Thái độ của Bệnh nhân: Mô hình Niềm tin Sức khỏe“, là loại mô hình giá trị-kỳ vọng, được áp dụng cho những hành vi sức khỏe. Tuy nhiên, con người không hoàn toàn lý trí, và các yếu tố khác, ngoài sự cân nhắc thuần lý trí, thường được đưa vào quá trình đi đến quyết định.

Những cân nhắc ngoại sinh
Vào những năm 1980, Icek Ajzen và những người khác đã tạo ra một mô hình để giúp kết hợp các yếu tố vào mô hình giá trị-kỳ vọng thuần lý trí, mô hình này đã thống trị thuyết hành vi vào thời điểm đó.2 Ông chỉ ra rằng mọi người có thái độ hoặc niềm tin khác nhau về những hành vi nhất định, và với tư cách là một hữu thể của xã hội, những thái độ và niềm tin đó có thể bị ảnh hưởng bởi những người khác. Ý kiến của những người khác, ví dụ: gia đình, bạn bè và thậm chí toàn xã hội, về một hành vi có thể được coi là một yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định cá nhân. Thói quen hút thuốc là một ví dụ điển hình; trong khi mọi người hút thuốc vì nhiều lý do, đôi khi một trong những lý do đó chỉ đơn giản là mong muốn chiều theo hoặc gây hoang mang ý kiến của những người xung quanh.

Thuyết hành vi hoạch định (TPB)
Thuyết hành vi hoạch định đặt những cân nhắc này lại với nhau trong một mô hình để hiểu và dự đoán hành vi:

thuyet hanh vi hoach dinh

TPB đề xuất rằng mọi người ít nhất sẽ hình thành ý định thực hiện một hành vi nhất định nếu cả ba yếu tố – niềm tin về hành vi, nhận thức về quy chuẩn chủ quan và nhận thức kiểm soát – giao thoa với nhau như thể hiện trong sơ đồ trên. Các yếu tố có thể xuất hiện phi lý được thảo luận ở đây; tuy nhiên, các cân nhắc khác vẫn có thể ngăn cản các hành động mong muốn diễn ra. Ví dụ, thiếu cơ hội hoặc thiếu khả năng hành động có thể ngăn cản ý định trở thành hành vi; những gián đoạn “quy trình” như vậy sẽ được tìm hiểu trong các bài viết sau.

Thuyết hành vi hoạch định cho chúng ta biết gì về sự tuân thủ?

Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, TPB phần lớn đã được áp dụng để kiểm tra các quyết định về lối sống, chẳng hạn như ăn uống lành mạnh.3 Tuy nhiên, lý thuyết này cũng đã được áp dụng trong các nghiên cứu về tuân thủ điều trị như tại chuyên khoa điều trị đa xơ cứng, nơi mà nó có thể là một yếu tố dự báo quan trọng về cách bệnh nhân sẽ hành xử.4

TPB cũng đã được sử dụng để thiết kế các can thiệp hành vi trong chăm sóc sức khỏe. Lý thuyết này có thể giúp xây dựng những chương trình thúc đẩy thói quen lành mạnh,5 và các phân tích tổng hợp về những chương trình được thiết kế xoay quanh TPB đã phát hiện ra rằng việc kết hợp những cân nhắc bổ sung này có thể đi đến kết quả tích cực.6

Con người không hoàn toàn lý trí. Điều gì xảy ra khi các yếu tố khác được đưa vào quá trình ra quyết định?

Tạo ảnh hưởng lên bệnh nhân bằng Thuyết hành vi hoạch định
Bài viết trước đó thảo luận về việc sử dụng Mô hình Niềm tin Sức khỏe (HBM) nhằm hướng dẫn các cuộc thảo luận với bệnh nhân về sự hiểu biết bệnh tật của họ cũng như kế hoạch điều trị. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, việc kết hợp mô hình TPB vào HBM giúp các nhân viên chăm sóc sức khỏe tìm hiểu chi tiết hơn các yếu tố khác ảnh hưởng đến thái độ và niềm tin của bệnh nhân về tình trạng của họ.

HBM không giải thích rõ ràng các ảnh hưởng xã hội. Là một mô hình giá trị-kỳ vọng, HBM không nhận ra tầm quan trọng của những cân nhắc không hoàn toàn lý trí. TPB bổ sung thêm một yếu tố xã hội quan trọng bằng cách tính đến thực tế rằng con người là hữu thể xã hội và có thể có phản ứng mạnh mẽ đối với những hành vi được cho là ảnh hưởng đến vị thế xã hội.

TPB cũng xem xét các ý kiến của bệnh nhân liên quan đến việc kiểm soát nhận thức: tức là liệu bệnh nhân có kiểm soát được tình trạng bệnh và phương pháp điều trị nó hay không; và ngoài các quyết định về việc bệnh nhân liệu nghĩ rằng hành vi của họ nên thay đổi hay không, mức độ nào mà bệnh nhân cảm thấy đủ quyền lực để thực sự thay đổi hành vi?

TPB có thể giúp nhân viên y tế nắm bắt nếu có các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hành vi của bệnh nhân mà HBM không giải quyết được. Để áp dụng TPB, các nhân viên y tế nên xem xét các đề xuất sau:
• Hỏi bệnh nhân xem họ nghĩ sẽ khó khăn như thế nào khi thực hiện các lời khuyên và tuân theo đơn thuốc.
• Hỏi bệnh nhân những gì họ nghĩ có thể dẫn đến thất bại.
• Hỏi về mức độ mà những người thân cận với bệnh nhân sẽ giúp đỡ hoặc cản trở việc thay đổi hành vi.
• Thảo luận về nhận thức của bệnh nhân về những gì người khác hoặc xã hội nói chung có thể cảm nhận về tình trạng bệnh hoặc hành vi điều trị.

Những câu hỏi như vậy có thể giúp sáng tỏ các vấn đề cơ bản về khả năng kiểm soát nhận thức của bệnh nhân đối với hành vi của họ, mối quan tâm của họ về tác động xã hội đối với tình trạng của họ và liệu những người thân thiết với họ hoặc toàn xã hội có thể gây trở ngại đến việc tuân thủ điều trị hay không.

Sử dụng TPB: Một ví dụ
Xem xét trường hợp một bệnh nhân bị chóng mặt. Sau khi sử dụng Mô Hình Niềm Tin Sức Khỏe như đã trình bày trong bài viết trước, nhân viên y tế tin tưởng rằng bệnh nhân đã nắm rõ về bệnh tật và kế hoạch điều trị của mình. Khi sử dụng TPB, nhân viên y tế sẽ hỏi về bất kỳ mối quan tâm nào mà bệnh nhân có thể có về khả năng kiểm soát hành vi của mình và về các chuẩn mực hoặc ảnh hưởng xã hội có thể cản trở bệnh nhân tuân thủ kế hoạch điều trị. Bằng cách kết hợp các đề xuất ở trên, nhân viên y tế có thể vượt xa hơn HBM để phát hiện ra rằng bệnh nhân lo ngại cô ấy sẽ quên uống thuốc hàng ngày và cảm thấy xấu hổ về tình trạng của mình: Cô ấy cho rằng thỉnh thoảng chóng mặt là một dấu hiệu của sự yếu đuối.

Từ thông tin bổ sung này, nhân viên y tế có thể giải quyết mối lo về chứng hay quên bằng cách đề xuất các mẹo đơn giản về cách nhớ uống thuốc, như kết hợp thuốc với một hoạt động hàng ngày khác, chẳng hạn như ăn sáng hoặc đánh răng. Nhân viên y tế có thể giải quyết cảm giác xấu hổ bằng cách đề cập đến các nhân vật chính trị hoặc giải trí nổi tiếng và được tôn trọng cũng mắc phải tình trạng bệnh tương tự.

Các biện pháp đơn giản này, dựa trên thông tin bổ sung được làm sáng tỏ bằng mô hình TPB, có thể có tác động sâu sắc đến thái độ của bệnh nhân đối với tình trạng của họ, giúp họ tuân thủ kế hoạch điều trị và cải thiện kết quả.

Tài liệu tham khảo

  1. Daniel Kahneman (2012). Thinking, Fast and Slow. London: Penguin Books.
  2. Icek Ajzen (1985). “From intentions to actions: A theory of planned behavior.” In: J. Kuhl & J. Beckmann, Eds. Action Control. Berlin, Heidelberg: Springer Berlin Heidelberg, pp. 11–39. https://doi:10.1007/978-3-642-69746-3_2
  3. Rosemary R.C. McEachan, Mark T. Conner, Natalie J. Taylor, & Rebecca J. Lawton (2011). “Prospective prediction of health-related behaviours with the Theory of Planned Behaviour: A meta-analysis,” Health Psychology Review, (5):2, p. 49. https://doi: 10.1080/17437199.2010.521684
  4. Christoph Heesen, Sascha Köpke, Alessandra Solari, Friedemann Geiger, & Jurgen Kasper (2013). “Patient autonomy in multiple sclerosis—Possible goals and assessment strategies.” Journal of the Neurological Sciences, (33I1):1-2, pp. 2–9. https://doi:10.1016/j.jns.2013.02.018
  5. Gaston Godin (1993). “The theories of reasoned action and planned behavior: Overview of findings, emerging research problems and usefulness for exercise promotion,” Journal of Applied Sport Psychology, (5):2, pp. 141–157. https://doi:10.1080/10413209308411311
  6. Mandy Tyson, Judith Covey, & Harriet E.S. Rosenthal (2014). “Theory of planned behavior interventions for reducing heterosexual risk behaviors: A meta-analysis,” Health Psychology, (33):12, pp. 1454–1467. https://doi:10.1037/hea0000047